Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, người dân xã Bàn Đạt (Phú Bình) đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn 6,5% (giảm hơn 16% so với năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng/người/năm); đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt chia sẻ: Xã hiện có 1.600 hộ dân, trong đó gần 50% số hộ là người dân tộc Sán Dìu. Những năm trước đây, nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng của xã chưa nhận được sự đồng thuận cao.
Những năm qua, xã đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò 3B (bò BBB), phát triển kinh tế gia trại tổng hợp; hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên cơ sở người dân ở các xóm đăng ký theo nhu cầu cần tập huấn… Nhờ đó, đến nay, xã đã có 1 mô hình hợp tác xã sản xuất chè; 5 trang trại chăn nuôi lợn; trên 70 gia trại chăn nuôi tổng hợp; hầu hết các hộ dân đều có từ 1ha đến hàng chục héc ta keo…
Các tuyến giao thông trục chính của xã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, ông Lục Thanh Lâm, Trưởng xóm Đá Bạc phấn khởi khoe: Trước đây, 210 hộ dân (trong đó có 98% số hộ là đồng bào dân tộc Sán Dìu) chỉ biết trồng lúa, ngô, khoai và nuôi vài con lợn, gà phục vụ tăng gia là chính, nhưng nay, tư duy phát triển kinh tế của bà con đã thay đổi.
Bên cạnh sự tuyên truyền, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các hộ đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa Khang Dân cho năng suất thấp (chỉ 1,5-1,7 tạ/sào) sang các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao hơn như BTE1, TH3-3, TH3-5… (năng suất trung bình 2,5 tạ/sào); hình thành vùng sản xuất lúa tập trung diện tích 20ha; 30 hộ chăn nuôi lợn với quy mô từ 50-100 con có; 20 hộ chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000-3.000 con/lứa; 10ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Không chỉ có xóm Đá Bạc mà người dân ở nhiều xóm khác trên địa bàn xã Bàn Đạt cũng tìm hướng đi mới nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Gia đình chị Đặng Thị Nhàn, ở xóm Na Chặng là một ví dụ. Chị Nhàn cho hay: Được cán bộ xã giới thiệu, hướng dẫn và xem trên ti vi, tôi biết đến mô hình nuôi bò 3B. Năm 2020, từ nguồn vốn của gia đình và vay mượn thêm anh em, tôi mua 5 con bò (giá từ 25-30 triệu đồng/con) về nuôi. 1 năm sau, bò được xuất bán. Trừ chi phí, gia đình tôi có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng nuôi thêm 20 con lợn, 2.000 con gà/năm và trồng 0,5ha rừng…
Kinh tế phát triển, người dân có thêm điều kiện đối ứng, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường, lớp học, nhà văn hóa… Theo thống kê của xã, từ năm 2018 đến nay, xã đã tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân hiến trên 7.400m2 đất, đóng góp gần 4 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa xã, xóm.
Đến nay, Bàn Đạt có 62,4/80,8km đường giao thông trục xã, xóm được cứng hóa (đạt tỷ lệ gần 80%); 100% nhà văn hóa của 12 xóm đảm bảo tiêu chuẩn… Xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người trong năm nay.