Xã vùng cao Nghinh Tường (Võ Nhai) có 90% số dân là người dân tộc thiểu số. Khác với trước, phụ nữ ở xã giờ đã tham gia công tác xã hội nhiều hơn. Chị em đã thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, tạo ra thu nhập, của cải cho gia đình, biết cách nuôi dạy con cái khoa học.
Chị Hà Thị Vững, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghinh Tường, sinh ra và lớn lên ở đây nên hiểu hơn ai hết những nhọc nhằn của những người phụ nữ dân tộc thiểu số, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của người dân; khi nhiều ông chồng mỗi lần say rượu lại đánh chửi vợ con...
Những người phụ nữ chỉ biết quanh quẩn với việc nương rẫy, đồng áng, ít được tiếp cận kiến thức, giao tiếp xã hội, sống khép mình, không có tiếng nói trong gia đình, thôn, bản...
Trước thực trạng trên, những năm qua, Hội LHPN xã đã tích cực tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương đến cán bộ, hội viên và người dân thông qua những cuộc họp xóm, buổi sinh hoạt phụ nữ dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) nhằm tạo diễn đàn trao đổi về bình đẳng giới; tham mưu cấp ủy, chính quyền về bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đảng viên là nữ; hỗ trợ vốn, kiến thức, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ...
Hội Phụ nữ xã có 12 chi hội, gần 670 hội viên mà có tới 16 mô hình, CLB, như: “CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “5 không 3 sạch”, “Phụ nữ tiết kiệm, thu gom và phân loại rác thải”… thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia.
Việc hình thành, duy trì các CLB tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong triển khai các phong trào, hoạt động của địa phương. Từ đó, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng ngày càng được thể hiện rõ nét.
Ví như ở Thượng Lương - xóm xa nhất xã, chị em thành lập CLB Phụ nữ yêu văn nghệ. Chị em thường xuyên luyện tập, tham gia biểu diễn, tuyên truyền tới bà con việc gìn giữ, phát huy những làn điệu, nét văn hóa của dân tộc mình.
Ở Bản Cái, Bản Nưa, Nà Châu, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), ban lãnh đạo xóm, các ông chồng góp tiền, góp sức đứng ra tổ chức chúc mừng chị em. Có những việc xưa kia chỉ dành cho phụ nữ thì nay nam giới cũng làm như đi cấy, làm việc nhà, chăm sóc con cái...
Đặc biệt, chị em phụ nữ ở xã đã tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, giữ các vị trị lãnh đạo chủ chốt của xã, xóm. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy là 5/15, chiếm 35%; nữ đại biểu HĐND xã 7/20, chiếm 35%; nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã là 1/5, chiếm 20%.
Lần đầu tiên xã có 2 nữ làm Phó Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch HĐND xã; có 7 đồng chí nữ là bí thư chi bộ, trưởng xóm, phó xóm và có 86/241 đảng viên là nữ.
Đa số phụ nữ tham gia công tác xã hội đều cho rằng họ được tiếp cận được nhiều thông tin, kiến thức về mọi mặt, tự tin, mạnh dạn hơn, nhất là thể hiện được chính kiến, tiếng nói của mình trong gia đình, phát triển kinh tế, chứ không còn chịu “lép vế” như trước.
Như chị Nông Thị Hồng Gấm, Bí thư Chi bộ Bản Nưa. Chị là người đầu tiên ở xã vùng cao này gây dựng thành công mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Với 4 sào đất, mỗi năm, vợ chồng chị làm được 2 vụ, xuất được 70 vạn cây giống chủ yếu là keo, quế, thu lãi 50-70 triệu đồng (gấp 4,5 lần so với cấy lúa).
Chị Gấm bảo: Lúc mới làm, ai cũng ngăn cản nhưng tôi vẫn mạnh dạn, kiên trì và tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm. Đối với việc chung, chị cũng không nề hà, bởi chị nghĩ làm được việc gì là mình lại có thêm kiến thức, kinh nghiệm việc đó.