Bén rễ trên đất Võ Nhai từ hàng chục năm nay, na trở thành “cây thoát nghèo”, “cây làm giàu” của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao này. Na Võ Nhai được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thơm ngon, vị ngọt đậm. Được chăm sóc tỉ mẩn bởi bàn tay của những người nông dân vùng cao, quả na Võ Nhai mang đậm sắc - hương - vị của miền núi đá. Với 700ha trồng na trên địa bàn, những năm qua, vấn đề xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực này luôn được huyện Võ Nhai và tỉnh quan tâm.
Lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm vườn na tại xã Phú Thượng và trao đổi với bà con nhân dân về đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm na. |
Thức quà từ núi đá
Vừa qua cơn mưa rào, tất cả đều trở nên đậm nước mà no căng. Trên những vách núi đá ở La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, thị trấn Đình Cả…, những vườn na ngút ngàn đắm mình trong màu xanh tươi mát. Trên những triền dốc núi, cứ một khoảng xa xa lại thấp thoáng bóng người miệt mài thu hoạch những quả na chính vụ tươi ngon.
Vừa luôn tay làm việc, chị Nông Thị Ngọc Ánh, xóm Xuân Hòa, xã La Hiên, vừa chia sẻ: Để có được những quả na thơm ngọt, ngay từ mùng 5 Tết Nguyên đán chúng tôi đã phải tỉa cành cho cây. Đến tháng 3, tháng 4 thì thụ phấn cho từng bông hoa, rồi miệt mài chăm sóc đến ngày được hái những quả na to đều, đẹp mắt. Với 3 sào na, khi vào chính vụ, mỗi ngày tôi thu hơn 1 tạ quả. Sau khi tham gia chương trình livestream bán na và nông sản tại Lễ hội “Võ Nhai mùa na chín” vào năm ngoái, đến vụ na năm nay, nhiều khách hàng cũ đã tìm đến tận vườn nhà tôi để mua, tôi không cần phải mang ra chợ như mọi năm.
Có diện tích trồng na gấp 3 lần gia đình chị Ánh, năm nay, anh Vũ Bá Thái, ở xóm Xuân Hòa, xã La Hiên tiếp tục tham gia Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Hiện tại, anh Thái đang thu hoạch những quả na to, đẹp nhất, chuẩn bị bao bì, hộp giấy để đóng gói cho khách hàng. Anh Thái chia sẻ: Năm nay mưa nhiều nên vụ na đến sớm hơn so với mọi năm. Thời tiết thuận lợi nên na đẹp quả, vẫn giữ được hương thơm, vị ngọt đặc trưng, được khách hàng rất yêu thích. Thay vì bọc na trong giấy báo như trước đây, năm nay tôi sử dụng lá na để lót giữa các lớp quả. Việc này vừa giữ cho quả na tươi, tránh dập nát, vừa có mùi thơm, lại được khách hàng ưa chuộng hơn.
Tay thoăn thoắt xếp từng quả na vừa hái vào thùng giấy để chuyển đi cho kịp chuyến xe sáng sớm, chị Trương Thị Thủy, thành viên Hợp tác xã na La Hiên bảo: Tuy chưa đến ngày chính diễn ra sự kiện livestream phiên chợ na huyện Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên nhưng nhiều khách hàng đã đặt mua qua kênh online. Mỗi ngày tôi và các thành viên Hợp tác xã xếp hàng chục thùng na để gửi đi cho khách ở TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên hay nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Vĩnh Phúc… Ngày mai khi diễn ra sự kiện livestream, dự kiến lượng đơn hàng sẽ lớn hơn nhiều, nhưng chúng tôi rất vui với sự “quá tải” này.
Toàn huyện Võ Nhai hiện có hơn 700ha trồng na, trong đó có khoảng 200ha đã được chứng nhận VietGAP. Với phần diện tích còn lại, bà con cũng chú trọng sản xuất theo hướng an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, đồng thời chung tay bảo vệ thương hiệu na Võ Nhai. Thời điểm này, na Võ Nhai đang có giá 30-35 nghìn đồng/kg (50-60 nghìn đồng/kg đối với hàng loại 1). Sản phẩm quả na được dán tem nhãn và mã QR để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu bền vững. Đây cũng là điểm thuận lợi để tỉnh và huyện Võ Nhai triển khai xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ là sản phẩm kinh tế
Xã La Hiên là địa phương tập trung phần lớn diện tích trồng na của huyện Võ Nhai. Ông Vi Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để chuẩn bị cho Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024, UBND xã đã triển khai nội dung Chương trình đến tất cả các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Các hộ trồng na đã chuẩn bị chu đáo về sản phẩm, mẫu mã bao bì... để tham gia Chương trình đạt hiệu quả cao.
Năm nay, các tiktoker và streamer sẽ tiếp tục tham gia livestream, kết nối tiêu thụ đặc sản na Võ Nhai và các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. |
Đặc biệt, với mục đích kết hợp kinh tế nông nghiệp với du lịch, năm nay, huyện Võ Nhai đã xây dựng điểm check-in vùng trồng na tại khu Lân Hồng, xã La Hiên, với nhiều tiểu cảnh trang trí mang đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số để thu hút du khách đến tham quan, mua nông sản.
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, cho biết: Những năm gần đây, Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên đã trở thành sự kiện thường niên được tổ chức trên địa bàn huyện. Đây là cơ hội để huyện và nông dân trên địa bàn quảng bá rộng rãi đặc sản địa phương và nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế của quả na. Qua nhiều năm được tổ chức, sự kiện này không chỉ được người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đón chờ mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con, du khách gần xa. Từ mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ nông sản ban đầu, Chương trình đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương với các hoạt động check-in, trải nghiệm hái na, tham gia phiên livestream bán nông sản…
Người dân Võ Nhai tự hào về cây na. Họ cũng rất tự tin vào chất lượng quả na được trồng trên đất Võ Nhai, với hương thơm, vị ngọt đặc trưng như gom đủ tinh túy của vùng núi đá khô cằn và khí trời vùng cao. Vì vậy, người dân vùng cao luôn đón chờ du khách đến với miền quả ngọt, thưởng thức những trái na đặc sản và cùng trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nơi đây...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin