Vận hành an toàn công trình thủy lợi

07:18, 17/05/2022

Trước những tác động ngày càng cực đoan, bất thường của thời tiết, thiên tai, TP. Sông Công đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, vận hành an toàn các công trình thủy lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân.

TP. Sông Công hiện có 7 công trình hồ, đập và khoảng 187km kênh mương, đáp ứng trên 90% nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi đã được thành phố quan tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn còn xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực này, có trường hợp gây hậu quả đau lòng. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tại TP. Sông Công xảy ra 2 vụ đuối nước ở hồ Ghềnh, xã Bình Sơn và kênh Núi Cốc, thuộc xã Tân Quang.

Từ thực tế trên, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, quản lý việc sử dụng các công trình hồ, đập, kênh, sông, suối, đặc biệt là sử dụng mặt nước vào khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm, câu cá. Đồng thời, tuyên truyền đến các hộ dân, xóm, tổ dân phố tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo “nguy hiểm”, “cấm tắm” tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Vũ Đình Quyên, Cụm trưởng Cụm Khai thác thủy lợi hồ Ghềnh Chè, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, chia sẻ: Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, người dân xã Bình Sơn đã tận dụng mặt nước tại hồ Ghềnh Chè để làm dịch vụ du lịch trải nghiệm, nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo an toàn công trình hồ, Cụm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý hành lang bảo vệ công trình, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra các hạng mục của hồ (đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, máy đóng mở…) nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố. Cùng với đó, TP. Sông Công cũng tăng cường rà soát, thống kê các phương tiện thuyền, bè ở khu vực hồ để quản lý chặt chẽ việc lưu hành; hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thuyền, nhằm đảm bảo an toàncho nhân dân khi tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm.

Bên cạnh việc đảm bảo phương án an toàn, nhằm phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, TP. Sông Công cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung rà soát thực trạng các hồ, đập, kênh mương để kịp thời xử lý, khắc phục những vị trí hư hỏng, xuống cấp. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, từ các nguồn vốn khác nhau, thành phố đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 40 công trình thủy lợi.

Đơn cử như năm 2021, hồ Núc Nác (diện tích 5ha), thuộc phường Châu Sơn đã được đầu tư cải tạo với kinh phí 3 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho gần 40ha đất nông nghiệp. Địa phương cũng thành lập Tổ thủy nông thực hiện việc quản lý, vận hành hồ, thường xuyên duy tu, sửa chữa để công trình phát huy hiệu quả. 

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là các hồ, đập trong mùa mưa bão, thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống thiên tai; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn các công trình và có biện pháp xử lý kịp thời; rà soát, điều chỉnh xây dựng phương án phòng, chống thiên tai của từng hồ chứa và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện dự phòng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra. Cơ quan chuyên môn của thành phố cũng tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường, điều kiện an toàn và các quy định có liên quan trong hoạt động khai thác mặt nước...

Ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, TP. Sông Công cũng vận động mỗi người dân cần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ các công trình thủy lợi để phát huy hiệu quả; không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình và sử dụng nguồn nước trong sản xuất, sinh hoạt hợp lý...