Tính đến thời điểm này, so với nhiều địa phương khác trên địa bàn TP. Thái Nguyên, Phúc Trìu là xã ít được “đón” các dự án đầu tư. Dự án Sân vận động Thái Nguyên được phê duyệt năm 2021 là dự án quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn xã. Chính vì vậy, với nhiệm vụ được giao, bên cạnh công tác phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố thống kê, kiểm đếm giải phóng mặt bằng, chính quyền xã Phúc Trìu còn chú trọng thực hiện tốt việc ngăn chặn xây dựng đón đền bù.
Theo thiết kế, Dự án Sân vận động tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 15ha, thuộc địa phận 2 xóm Chợ và Đồng Nội của xã Phúc Trìu. Sân vận động mới được xây dựng có khán đài quy mô 22.000 chỗ ngồi, mái che, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo diện tích một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng mức đầu tư của Dự án trên 460 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, thu tiền sử dụng đất và một số nguồn vốn hợp pháp khác, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Đối với TP. Thái Nguyên, cuối năm 2021, khi tỉnh giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với xã Phúc Trìu tuyên truyền, vận động, phổ biến các chế độ, chính sách liên quan tới người dân nhằm tạo sự đồng thuận.
Đến nay, 94/94 hộ dân ở 2 xóm Chợ và Đồng Nội bị ảnh hưởng bởi Dự án đã được thống kê, kiểm đếm, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phúc Trìu đã di dời, bàn giao mặt bằng cho Dự án Sân vận động tỉnh.
Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, thông tin: Khi có thông tin về Dự án Sân vận động sẽ triển khai trên địa bàn, qua nắm tình hình, địa phương xác định sẽ có một số hộ dân trong diện “có khả năng” sẽ xây dựng, cơi nới công trình. Do vậy, khi thành phố có quyết định thu hồi đất, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, đồng thời cho bà con ký cam kết không xây dựng, cơi nới công trình trong phạm vị Dự án. Cùng với đó, xã đã rà soát, lập 3 chốt chặn tại 3 tuyến đường độc đạo vào 2 xóm có Dự án. Tất cả người và phương tiện ra vào khu vực đều phải báo cáo, nhất là những phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng đều phải được kiểm soát, nếu không có lý do chính đáng sẽ buộc quay đầu.
Theo đó, xã Phúc Trìu đã phân công lực lượng (gồm: Công an, Quân sự, Đoàn Thanh niên) phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của 2 xóm có Dự án túc trục tại 3 chốt (mỗi chốt 3 người) kiểm soát ngày đêm.
Ông Lê Huy Mạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, chia sẻ: Thời điểm đó, đã có một số hộ dân mua vật liệu về để xây dựng đón đền bù nhưng lại lấy lý do cải tạo, xây dựng mồ mả; sửa nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi… và đề nghị lực lượng cho qua chốt. Tuy nhiên, gần như tất cả các xe đó đều bị buộc phải quay đầu, những xe nào được qua chốt, chúng tôi đều cử người theo và kiểm tra xem đúng với thực tế hay không. Một số hộ dân để “né” chốt còn vác vật liệu đi bộ qua lối mòn nhưng cũng đều bị phát hiện.
Xã Phúc Trìu đã duy trì 3 chốt chặn kiểm soát trong 15 ngày đêm, bắt đầu từ thời điểm cơ quan chuyên môn của thành phố thực hiện thống kê, kiểm đếm tài sản, cây cối, hoa màu cho đến khi làm xong.
Ông Lê Khương Duy cho biết thêm: Cũng rất may, việc thống kê, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, hoa màu của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án được thành phố thực hiện rất nhanh chóng, nhờ đó, lực lượng trực chốt cũng đỡ vất vả nhiều. Từ quyết tâm cao và giải pháp phù hợp, chúng tôi tin tưởng, với những dự án tiếp theo xã sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là về quản lý đất đai, hạn chế thấp nhất tình trạng xây dựng đón đền bù…