Sớm đầu tuần, vào Face book “hóng” thông tin đã là thói quen của tôi. Trong rất nhiều trang Face của bạn bè, ấn tượng đặc biệt với tôi là bức ảnh hoa đào và dòng trạng thái của một chị đồng nghiệp: Chào tháng 12, tháng cuối cùng của năm, lại rộn rã một mùa báo Tết.
Làm báo hai mươi năm có lẻ, nhắc đến báo Tết lại thấy lòng bâng khuâng. Mùa cưới, mùa thi và bây giờ là mùa báo Tết. Gọi là mùa bởi cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, giới làm báo, nhất là báo in, lại “sốt xình xịch” không khí làm báo Tết. Báo Tết - có lẽ là một nét đẹp văn hóa chỉ có ở Việt Nam.
Tôi lật giở các tư liệu, theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, Báo Tết ở Việt Nam bắt đầu có từ Tết Âm lịch năm 1918, tờ Báo Nam Phong cho ra một tuyển tập thơ văn như một giai phẩm xuân, có thể xem đây là “thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 89).
Nhưng, theo Nhà văn Sơn Nam và nhiều ý kiến khác nữa thì tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (tức ngày 30/1/1908” mới được coi là số báo Xuân đầu tiên của báo chí Việt (Sơn Nam - báo Xuân năm Mậu Thân 1908 - Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 17/1/1986).
Ở miền Nam trước 1975, báo Tết thường được gọi chung với cái tên rất mỹ miều là Giai phẩm xuân, tất cả các báo ngày, đặc san như: Tuần báo, Bán nguyệt san, Nguyệt san đều có ấn phẩm Xuân. Có lẽ chình vì thế mà trong thư mời cộng tác báo Tết hiện nay, tòa soạn nào cũng có dòng chữ “Để những Giai phẩm Xuân thêm phần ấn tượng, Ban Biên báo tập kính mời…”
Chuyện báo Tết, tôi nhớ lại thời điểm giữa năm 2000, tôi vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề báo, tập sự ở Phòng Phóng viên Văn xã, đến cơ quan nghe các anh chị trong phòng khoe với nhau đã “ngắm” được đề tài cho báo Tết. Rồi tôi được các anh, chị trong phòng truyền kinh nghiệm: Mỗi lần đi thực tế phải chú ý tìm kiếm đề tài để dành cho báo Tết, chứ đến cuối năm mới ngồi nghĩ thì chả có gì để viết đâu. Lúc đó nghe nói tôi cứ thấy sai sai, bởi Tết còn lâu mới đến. Ấy vậy nhưng, chỉ hơn tháng sau, tôi đã ngộ ra lời khuyên của các bậc tiền bối là chuẩn xác.
Bởi báo Tết là ấn phẩm đặc biệt, nên được cả tòa soạn báo chăm chút, nâng niu coi như “đứa con cưng”. Tất cả tâm huyết, tình cảm và những gì tinh túy nhất của 365 ngày đều dành cả vào đây. Chính vì thế, việc chuẩn bị cho sự ra đời của “đứa con cưng” này được các tòa soạn báo triển khai thực hiện chu đáo từ rất sớm. Đầu tiên là các tòa soạn sẽ thông báo trên bản báo, trên các phương tiện khác, thư mời, điện thoại về báo Tết.
Thế nên, trên các trang báo điện tử của nhiều tờ báo cả Trung ương và địa phương từ tháng 10 Dương lịch đã thấy nhấp nháy lời mời cộng tác báo Xuân. Với các tổng biên tập và biên tập viên giàu kinh nghiệm thì có ngàn lẻ cách mời gọi cộng tác viên để tờ báo Xuân thêm ấn tượng.
Ngoài việc mời gọi cộng tác viên, lực lượng phóng viên trong các tòa báo phải đăng ký đề tài báo Tết sớm để ban biên tập xem xét, cân nhắc, xây dựng lịch. Những đề tài phóng viên đăng ký cho báo Tết thường được ấp ủ trước đó, mọi người chọn những đề tài hay nhất, tâm đắc nhất để dành cho những số báo đặc biệt này. Và đương nhiên phải là những đề tài nhẹ nhàng, tươi vui, giàu chất văn hóa văn nghệ, hợp với không khí Tết đến, Xuân về,
Cân nhắc, lựa chọn, họp bàn lên xuống, ban biên tập các tòa báo mới chốt và phát hành lịch báo Tết, lúc này các phóng viên phải rất khẩn trương lên đường đi cơ sở để lấy tư liệu để viết bài.
Viết bài cho báo Tết không hề dễ. Thử hình dung, toàn bộ quá trình lấy thông tin, xử lý thông tin, phóng viên phải thực hiện trước Tết khá xa. Thời điểm này cuộc sống, sinh hoạt đang diễn ra bình thường, chưa thấy hơi hướng xuân đâu cả, nên phóng viên phải biến một ngày bình thường thành một ngày rộn rã Xuân. Thế mới có “nghịch cảnh” trời đang nắng mà cứ phải tả “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”; ngồi ăn cơm văn phòng mà “viết như đúng rồi” về thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Phóng viên sẽ thấy Tết khi nhiều người chưa thấy, sẽ yêu hoa khi cây chưa có nụ, có mầm. Cũng bởi viết bài cho báo Tết, nên phóng viên nào ngay từ cái tít bài đã gọi Xuân về. Những cái tít kiểu: Nơi mùa Xuân đến sớm, Đón Xuân lưng chừng núi, Bản nhỏ vào Xuân… sẽ lần lượt được gọi tên, và cái cảnh trăm Xuân đổ vào… báo Tết năm nào cũng diễn ra. Lúc đó, đội ngũ biên tập viên lại là những người “căng não” nhất, bởi phải cân lên, đặt xuống, quyết định giữ tít Xuân ở bài nào.
Những ngày cuối năm, cường độ công việc ở các tòa soạn “căng đét”, nhất là đối với các tòa soạn phát hành nhật báo, bởi vừa ra báo ngày, lại phải khẩn trương hoàn tất báo Tết trong một thời gian ngắn. Chính vì thế, hình ảnh thường thấy nhất ở các tòa soạn những ngày này là cảnh các phòng, ban sáng đèn đến nửa đêm, bộ phận thư ký đòi bài phóng viên như… đòi nợ.
Phóng viên nào có vinh dự được giao bài ở cả hai số báo Tết Dương lịch và Tết Âm lịch thế nào cũng nhận được trát đòi kiểu: “Dương đây, Âm đâu? Bao giờ chốt. Kẻ ngoại đạo chót đọc được tin nhắn trong máy điện thoại của phóng viên chắc hẳn mắt chữ O mồm chữ A, chẳng hiểu âm, dương gì tầm này.
Cuối năm làm báo Tết vất vả nhưng vui, những người làm báo bao giờ cũng thấy mùa Xuân đến sớm. Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này thì các đồng nghiệp của tôi đang tất bật trên từng cung đường để hoàn thiện bài cho những số báo Tết. Chúng tôi làm báo Tết để cùng đón Xuân về.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin