Các dạng ma túy này thường "núp bóng" pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc... để dễ vận chuyển và bán cho học sinh, sinh viên tại cổng trường.
Các loại ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống. |
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Đà Nẵng), một trong số các loại ma túy "núp bóng" thực phẩm là các loại bánh, kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Các loại này được cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Trong thời gian qua, các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 10/2021. Đối tượng mua kẹo từ siêu thị ở Mỹ mang về cho người nhà sử dụng nhưng không nói cho người nhà biết có chứa chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn, nếu dùng quá liều sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một loại ma túy khác được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống như vụ bán bánh cần sa trên mạng internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa tháng 12/2019.
Tương tự, vụ nhóm học sinh tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) sử dụng kẹo có chứa chất ma túy (THC - cần sa), bị ngộ độc phải cấp cứu vào tháng 10/2021; vụ bán "nước xoài" có chứa chất ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2020; vụ bán "nước nho" có chứa chất ma túy tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) tháng 4/2022; vụ sử dụng socola có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ) tại Đông Anh, Hà Nội tháng 6/2022...
Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy "núp bóng" khác như "nước vui", "nước biển" chứa chất ma túy GHB là chất được tạo thành bởi tiền chất Gamma-butyro lactone (GBL); nước xoài "Crispy Fruit" có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam.
Ngoài ra, nhiều dạng ma túy "núp bóng" khác như bánh cần, bánh lười "lazy cakes" chứa cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử; nước nho Ribena chứa ketamine, trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy ketamine, MDMA; ma túy "đông trùng"...
Người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại này biết nó là ma túy nhưng khi bị bắt thường chối tội.
Ma túy "núp bóng" thảo mộc dạng "cỏ Mỹ": Đối tượng tẩm dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA vào thảo mộc rồi đóng gói thành loại thuốc lá gói "Tobaco", thuốc lá điếu và pha dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA bơm vào cây thuốc lá điện tử POD trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy do Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện, xử lý tháng 9/2022.
Các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội (Zalo, Telegram...) liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức giao dịch chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, phần mềm... với "mặt hàng" là chất ma túy mới hiện đang được giới trẻ "ưa chuộng" (sử dụng hình thức thuốc lá điện tử, thảo mộc...).
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn pha trộn ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc...., vừa qua, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh, học sinh, sinh viên và giới trẻ về tác hại của các loại ma túy "núp bóng"; phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy dưới dạng pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin