Tết và nỗi niềm người lao động

Phạm Ngọc Chuẩn 10:43, 17/01/2023

Tết Nguyên đán cận kề, cảm nhận gần đến mức có thể cầm nắm được. Mỗi người một tâm trạng, người dư của thì mong Tết đến để chơi Tết. Với người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp thì chào đón Tết trong cả nỗi lo vô hình. Nhiều người rủ nhau đi sắm Tết mà lòng canh cánh một nỗi niềm.

Công nhân Công ty TNHH WoojinQPD Vina (phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH WoojinQPD Vina (phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) trong giờ làm việc.

Bên bàn thu ngân của siêu thị ALOHA, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), chị Trần Thị Mơ cẩn thận vuốt lại từng đồng tiền cho thẳng nếp để trả tiền mua hàng. Chị bảo: Tiền… mổ lợn nhựa nên có mấy tờ bị gấp nếp. Nhưng lợn nhựa năm cũng chả nhiều…

Đôi vai gầy mảnh của chị rung lên vì xúc động. Chị Mơ cũng như nhiều NLĐ do công việc bấp bênh, phải thường xuyên nghỉ giãn việc nên tiền lương tháng vừa đủ chi tiêu hằng ngày trong gia đình, chưa có nhiều tích lũy. Nhưng Tết là vui vẻ, nên chị vẫn chi tiêu cho ba ngày Tết, nhưng sẽ cân nhắc mua cái này, thôi cái kia. 

Trong bối cảnh kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID - 19, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải giãn việc, ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của NLĐ hằng tháng.

Cũng vì thế, NLĐ luôn có sự cảm thông, đồng cảm, chia sẻ với doanh nghiệp, không hy vọng nhiều về tiền lương tháng thứ 13, tiền thu nhập tăng thêm, nhưng tâm lý chung ai cũng mong được nhận tiền thưởng Tết. Coi đó là nguồn động viên, sự tri ân của doanh nghiệp đối với NLĐ.

Theo báo cáo về tiền lương của 298 doanh nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Năm 2022 vừa qua, người có mức lương cao nhất 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lại thấp hơn 62 triệu đồng so với người đạt mức lương cao nhất năm 2021. Hầu hết NLĐ tại các doanh nghiệp đều có mức lương bình quân hằng tháng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thấp hơn gần 4 triệu đồng; khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thấp hơn 238.000 đồng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn 748.000 đồng. Duy nhất, khối doanh nghiệp dân doanh NLĐ đạt mức lương bình quân hằng tháng cao hơn 180.000 đồng.

Mừng là không có doanh nghiệp nợ lương NLĐ, nhưng so với năm trước đa số NLĐ có tiền lương được thực hưởng thấp hơn. Song trong khó khăn, NLĐ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Ví như hơn 26.500 NLĐ làm việc trong doanh nghiệp gặp khó khăn về thu nhập được Nhà nước hỗ trợ kịp thời với tổng số tiền gần 35,4 tỷ đồng. Hơn 27.000 NLĐ đang làm việc tại 127 doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà, với tống số tiền gần 37 tỷ đồng.

Về thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, có 416 doanh nghiệp, tăng hơn 89 doanh nghiệp “chịu chi” tiền Tết cho NLĐ. Tuy nhiên, tiền thưởng Tết có chênh lệch lớn. Tết Dương lịch cao nhất 30 triệu đồng; Tết Nguyên đán cao nhất 150 triệu đồng.

Về mặt bằng chung, tiền thưởng bình quân cả 2 đợt Tết giữa các khối doanh nghiệp không có sự chênh lệch lớn. Tết Dương lịch bình quân từ hơn 7 triệu đồng đến 11,8 triệu đồng/người. Tết Nguyên đán bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 11,6 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng cao cho cả 2 Tết. Tết Dương lịch bình quân 8,7 triệu đồng/người, Tết Nguyên đán bình quân 11,6 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng bình quân khiêm tốn, trong đó Tết Dương lịch hơn 7,4 triệu đồng/người; Tết Nguyên đán 4,4 triệu đồng/người.

Mức thưởng Tết cho người thấp nhất: Khối công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 1 triệu đồng/người. Khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 500.000 đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh 200.000 đồng/người. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100.000 đồng/người. Lương tháng và thưởng Tết chệnh lệch bởi việc trả lương, chi thưởng được doanh nghiệp căn cứ vào vị trí việc làm, về trình độ chuyên môn và năng lực của NLĐ.

“Một nén tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”. Tâm lý chung của NLĐ đều mong muốn được doanh nghiệp thưởng Tết, để “Trẻ đồng quà, già manh áo mới”. Bởi lẽ ấy mà những ngày áp Tết, câu chuyện thời sự từ trong nhà, ra ngoài đường là: Tiền thưởng Tết bao nhiêu...

Anh Phan Văn Thắng, công nhân ở Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, chia sẻ: Dù ít hay nhiều, với NLĐ chúng tôi, tiền thưởng Tết luôn là món quà quý giá. Bởi ngoài ý nghĩa vật chất còn mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên NLĐ gắn bó, sớm trở lại vị trí làm việc ngay sau Tết Nguyên đán.