Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Vũ Công 07:36, 01/02/2023

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó góp phần giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả.

Người dân xã Yên Lạc (Phú Lương) học cách sao chè bằng công nghệ khí hóa sinh khối.
Người dân xã Yên Lạc (Phú Lương) học cách sao chè bằng công nghệ khí hóa sinh khối.

Yên Lạc là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Phú Lương, với trên 600ha. Tuy nhiên, so với các xã khác trong huyện, cây chè ở Yên Lạc phát triển muộn hơn, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè của người dân cũng còn nhiều hạn chế.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, những năm qua, xã Yên Lạc đã tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng về sản xuất chè cho người dân. Qua đó giúp người dân từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè.

Ông Hoàng Xuân Mão, xóm Yên Thủy 4, cho hay: Nhà tôi hiện có hơn 1 mẫu chè, trước đây chủ yếu tôi trồng chè chè trung du. Cách đây 4 năm, sau khi được tham gia lớp sơ cấp về chế biến chè, tôi đã chuyển toàn bộ sang trồng chè lai F1. Hiện nay, mỗi lứa chè tôi thu được 3 tạ chè búp khô, tăng gần 1 tạ so với trước khi chuyển đổi.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Yên Thủy 2, cho biết: Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề sơ cấp về công nghệ chế biến chè, nắm vững được kỹ thuật sao, sấy chè, tôi quyết định mua các máy móc về để chế biến chè búp khô thay vì bán chè búp tươi như trước.

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mở các lớp đào nghề cho lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2016-2022, Trung tâm đã tổ chức được 50 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho gần 1.500 học viên, trong đó có trên 50% học viên là người dân tộc thiểu số. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng, nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, công nghệ chế biến chè…

Ông Hoàng Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân tại các xã, thị trấn, qua đó xây dựng kế hoạch đòa tạo các lớp nghề. Sau học nghề, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng, quy trình mới vào chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Còn ông Hà Huy Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học nghề cho người dân. Năm 2022, chúng tôi đã tổ chức 3 lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi cho 192 học viên, 100% sau khi tốt nghiệp đã tự tạo việc làm cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, toàn tỉnh có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm 2022 đào tạo cho gần 39.000 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 26.945 người, đào tạo cho lao động nông thôn là 2.461 người.

Có thể thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần giúp các xã hoàn thiện tiêu chí về việc làm, thu nhập và hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.



Cách làm cv nhanh chóng Giày bảo hộ jogger chính hãng chính hãng