Kể từ ngày 19-3, Thông tư số 04/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/01/2023, về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư nhằm minh bạch “công tác tài chính” tại các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở thờ tự; đồng thời củng cố đức tin của tín đồ, phật tử và nhân dân khi thực hành công đức.
Hòm công đức tại chùa Phù Liễn được Ban Quản lý đặt bên ban thờ chính. |
Khi được hỏi về việc công đức tiền, hiện vật lên chùa, một phật tử chia sẻ với chúng tôi: Cơ chế thị trường làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong thực hành công đức. Ngày xưa, đó là việc cúng dường với ý nghĩa dâng kính thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết… đến chư Phật và chư Bồ Tát để tỏ lòng kính trọng Phật. Nhưng từ nhiều năm nay, 2 từ cúng dường được “chuyển hóa” thành công đức. Việc công đức cho các cơ sở thờ tự được nhân dân thực hành mỗi ngày, nhưng nhiều nhất là vào dịp đầu Xuân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 3 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành. Trong đó Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, với hơn 70 chức sắc, hơn 1.000 chức việc, gần 96.400 nghìn tín đồ và 195 cơ sở thờ tự. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm và làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nên các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, tuân thủ quy định của Nhà nước.
Ngoài việc tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân thực hành tín ngưỡng theo quy định pháp luật, ban quản lý các di tích, cơ sở thờ tự tích cực đồng hành với địa phương trong hành thiện. Đương nhiên, tiền hành thiện được trích từ tấm lòng công đức của quảng đại nhân dân, góp phần cùng tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Thực tế tại một số di tích, cơ sở thờ tự có lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh là đình, đền, chùa Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình); Di tích lịch sử núi Văn, núi Võ (Đại Từ); đền Đuổm (Phú Lương); chùa Hang và chùa Phù Liễn, (TP. Thái Nguyên)… chúng tôi ghi nhận số hòm công đức được ban quản lý đặt gọn gàng, ngăn nắp, vừa đủ để nhân dân cung tiến, ủng hộ. Không có biểu hiện lạm dụng lễ hội, đức tin của nhân dân để đặt nhiều hòm công đức vì mục đích kinh tế.
Người đến di tích, cơ sở thờ tự dâng lễ đầu Xuân, vãn cảnh đền, chùa cũng nhàn tản. Với tâm niệm: “Một tụng thấu tam thiên”; “Tâm xuất, Phật độ”… chứ không nề hà lễ lớn hay lễ nhỏ. Ngoài tiền bỏ hòm công đức, các ban thờ cũng được bà con đặt tiền lên mâm lễ, chủ yếu là tiền có mệnh giá thấp.
Nhiều người công đức với niềm tin đón nhận năng lực sống tích cực vào năm mới, trút bỏ vận hạn thì công đức bằng tiền với giá trị lớn hơn. Họ trực tiếp cung tiến cho ban quản lý và nhận lại một tấm giấy ghi ơn của bộ phận tiếp nhận.
Người dân lễ Phật. |
Tại chùa Phù Liễn, tôi gặp một phụ nữ còn khá trẻ với một tập tiền mệnh giá 1.000 đồng còn mới. Trước lúc đặt tiền lễ lên ban thờ và bỏ tiền hòm công đức, chị cẩn thận lấy giấy bút ghi lại số sê ri, rồi đoan trang kính vái, đọc rõ số sê ri và mệnh giá tiền như để… thần phật không nhầm lẫn với người khác. Thấy tôi tò mò, chị từ tốn nói: Từ bé đã thích đi lễ hội đình, chùa, nên tôi quen với việc công đức để nhà đình, nhà chùa tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích…
Có mặt ở đó, bà Hoàng Thị Hiền băn khoăn: Tôi cũng như nhiều bà con cung tiến tiền vào hòm công đức, với hy vọng số tiền đó được ban quản lý cơ sở thờ tự sử dụng đúng mục đích.
Còn ông Trần Văn Tuấn chia sẻ: Nhiều giọt nước góp lại thành biển cả. Tôi cũng như bà con tham gia đóng góp công đức là để nhà chùa được xây dựng, tôn tạo khang trang, đẹp hơn, đáp ứng thỏa nguyện của mọi người.
Trước cơ sở thờ tự, hầu hết tín đồ, phật tử và người dân đều ngần ngại, không dám nói sự lo âu của bản thân về số tiền mình công đức. Sợ đó là báng bổ thần, phật, nên giữ chữ nhẫn và đặt đức tin vào những người có trách nhiệm.
Chính vì thế, Thông tư số 04 được Bộ Tài chính ban hành từ dịp đầu xuân Quý Mão năm 2023 là thực sự cần thiết, phù hợp với đại bộ phận tín đồ, phật tử và nhân dân.
Một vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên nói điềm đạm: Thông tư này không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đó còn là một hành lang pháp lý quan trọng cho nhà chùa cũng như các cơ sở thờ tự hoạt động thuận lợi hơn.
Vâng! minh bạch, công khai - Đó cũng là giải pháp hiệu quả trong củng cố đức tin cho tín đồ, phật tử, người dân và các tổ chức xã hội tích cực hơn trong công đức tiền của để xây dựng, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin