Nỗi đau mang tên mất an toàn lao động

Phạm Ngọc Chuẩn 09:29, 13/02/2023

Vì một chút bất cẩn, sơ ý, người lao động (NLĐ) có thể mất mạng sống, hoặc suốt đời chung sống với tàn tật. Dù đã biết, nhưng nỗi đau mang tên mất an toàn lao động (ATLĐ) vẫn xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản và uy tín của đơn vị có tai nạn lao động (TNLĐ).

Người lao động tại Chi nhánh Công ty cổ phần Giấy Trường Xuân, tổ dân phố Bông Hồng, phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên, không mang đầy đủ bảo hộ lao động khi đứng máy.
Người lao động tại Chi nhánh Công ty cổ phần Giấy Trường Xuân, tổ dân phố Bông Hồng, phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên, không mang đầy đủ bảo hộ lao động khi đứng máy.

Đã sau hơn 2 năm bị tai nạn lao động, nhưng anh Đỗ Mạnh Cường, tổ dân phố Nguyên Bẫy, phường Cải Đan, TP. Sông Công, còn chưa hết bàng hoàng nói: Tôi làm công nhân tại Công ty cổ phần Bao bì Sông Công. Trong lúc làm việc, do sơ ý để bu lông đầu trục quay mắc vào ống tay áo nên tôi bị cuốn vào đầu trục quay dẫn đến gãy tay phải và rách vùng da bụng.

Anh Cường mới chỉ bị thương tật, nhiều NLĐ bị TNLĐ cướp đi sinh mạng như trường hợp anh Ngô Chí Quyết, công nhân Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên, phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên. Theo kết luận về vụ việc tai nạn lao động của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Phổ Yên: Do trong lúc làm việc, nạn nhân không thực hiện đúng quy trình ATLĐ, đã tự gây ra tai nạn lao động cho bản thân dẫn đến tử vong.

Còn với trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Mạnh, lái xe của Công ty TNHH Hải Bình, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Hỷ kết luận: Anh Mạnh đã không chấp hành nội quy, quy định an toàn lao động của khu vực tuyển rửa quặng, tự ý đi vào rồi trượt chân rơi xuống lòng máng khuấy dẫn đến bị tai nạn tử vong tại chỗ.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 2022 trên toàn tỉnh còn để xảy ra 138 vụ TNLĐ, làm 140 người bị tai nạn, trong đó 24 người chết, 42 người bị thương nặng. So với cùng kỳ năm trước tăng 19 vụ TNLĐ và tăng 29 trường hợp bị tai nạn. TNLĐ xảy ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó khối công ty cổ phần 72 người, 4 người chết, 12 người bị thương nặng; khối công ty TNHH 13 người bị tai nạn, 3 người chết, 4 người bị thương nặng; khối doanh nghiệp Nhà nước 7 người bị tai nạn, 2 người chết, 4 người bị thương nặng.

Các nhóm ngành bị TNLĐ nhiều như: May mặc trang phục 51 trường hợp; sản xuất sắt thép, gang 8 trường hợp; sản xuất linh kiện điện tử 8 trường hợp; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 8 trường hợp.

Đặc biệt, năm 2022 đã xảy ra 23 vụ TNLĐ với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động, làm 24 người bị tai nạn, 15 người chết, 9 người bị thương nặng. Nhiều nhất là trong ngành khai khoáng và xây dựng, 11 vụ, làm 6 người chết; lao động xây dựng và lao động có liên quan đến nghề xây dựng, 3 vụ, làm 2 người chết; lao động giản đơn trong ngành nông, lâm nghiệp 7 vụ, làm chết 5 người.

Ngoài thiệt hại về người, các doanh nghiệp còn tổn thất nhiều về tài sản. Với tổng số 2.533 ngày nghỉ vì TNLĐ; chi phí bằng tiền cho TNLĐ gần 2,5 tỷ đồng, trong đó hơn 355 triệu đồng chi phí cho y tế, gần 500 triệu đồng trả lương cho NLĐ trong thời gian điều trị ; bồi thường, trợ cấp cho gia đình người bị TNLĐ hơn 1,6 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Minh Thành, chuyên viên Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Hầu hết các vụ việc TNLĐ đều có nguyên nhân từ NLĐ. Điển hình như năm 2022, trong tổng số 116 vụ TNLĐ tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 91 trường hợp bị tai nạn do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, chiếm hơn 78%; 20 trường hợp khách quan, khó tránh, chiếm 17%; còn lại là các nguyên nhân khác...

Tai nạn lao động không chỉ có thể lấy đi sinh mạng của nạn nhân, mà còn để lại cho thân nhân nạn nhân gánh nặng theo suốt đời người. Vậy nhưng, trong cuộc sống lao động hằng ngày vẫn còn đó không ít các đơn vị, cá nhân chủ quan, chưa coi trọng công tác ATLĐ. Nên, nỗi đau mang tên mất ATLĐ chưa bao giờ có hồi kết.