Nữ nhi đâu có thường tình

Phạm Ngọc Chuẩn 09:29, 05/03/2023

Trái tim phụ nữ, ngoài ý nghĩa vĩ đại của người mẹ, còn chất chứa nghị lực vượt lên, khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong xã hội. Nhất là ở thời đại đất nước hội nhập kinh tế thế giới, nhiều phụ nữ Thái Nguyên một lần nữa khẳng định: “Nữ nhi đâu có thường tình” bằng thành quả lao động và các hoạt động an sinh xã hội.

Chị Trần Thị Tuyết, xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ (thứ 2 từ trái vào) được Hội Nông dân việt Nam và các bộ, ngành liên quan vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Chị Trần Thị Tuyết, xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ (thứ 2 từ trái vào) được Hội Nông dân việt Nam và các bộ, ngành liên quan vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

“Thương trường là chiến trường”, ở đó bao hàm sự thắng - bại của giới doanh nhân. Doanh nhân nữ không nằm ngoài cuộc. Nhưng có lẽ sự nhập cuộc của các doanh nhân nữ đã làm cuộc “thương chiến” ở mọi thời đại vơi nhẹ đi sự tàn khốc bởi cạnh tranh thương trường. Cho dù đường đi đến thành công không trải hoa hồng, các chị chấp nhận, lắm khi gác lại hạnh phúc riêng, đơn độc, lặng thầm giấu nước mắt vào đáy lòng để đi tiếp trên hành trình phấn đấu.

Đang những ngày đầu Xuân, đào mận còn tươi hoa, trên nương chè đầy lộc đua trồi khoe sức sống. Khung cảnh thiên nhiên mềm màu xanh non tơ khiến tôi thấy vững lòng hơn khi biết những năm gần đây, các vùng chè của tỉnh liên tục vinh danh trên nhiều diễn đàn kinh tế - xã hội.

Đó là các sản phẩm chè độc, lạ chất lượng cao được “đăng đàn” làm nức lòng người thưởng ẩm. Đặc biệt có 3 nữ giám đốc HTX là chị Đào Thanh Hảo, xóm Nam Đồng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); chị Nguyễn Thị Hải, xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ) và chị Trần Thị Tuyết, xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), được Hội Nông dân việt Nam và các bộ, ngành liên quan vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc” trong các năm gần đây.

Thế mới hay việc làm nên sản phẩm chè chất lượng hơn, giá trị kinh tế hơn và có chiều sâu văn hóa hơn phần nhiều từ đôi tay tảo tần của người phụ nữ. Tiêu biểu như sản phảm chè “Tôm Nõn” của Công ty Chè Hà Thái; sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" của Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình từng giành giải thưởng lớn tại Cuộc thi chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ…

Trên mọi mặt trận kinh tế đều có bóng dáng phụ nữ. Cả những người đàn ông thành đạt trên thương trường đều có công lao quan trọng của phụ nữ. Vậy mới có câu: “Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có một người phụ nữ”.

Và hơn thế, không ít chị em bật trội trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được ví von là “cánh chim đầu đàn”. Bằng sức lao động, sáng tạo không ngừng, nhiều chị được vinh danh doanh nhân “Sản xuất - kinh doanh giỏi” toàn quốc. Điển hình như các nữ doanh nhân: Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Chè Hà Thái; Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Phạm Thị Quý, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Quỳnh Minh… được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình chọn, trao tặng danh hiệu “Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng”.

Còn nhiều nữa những “Bông Hồng Vàng” đã và tiếp tục nỗ lực, chủ động, tự tin tìm giải pháp, thích ứng và vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển bền vững và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.

Các nữ doanh nhân đầu tàu, gương mẫu chèo lái doanh nghiệp cùng cả nước hội nhập kinh tế thế giới. Các chị đã tỏa sáng bằng hành động thiết thực là tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội; đồng thời tham gia đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng/năm. Logic kéo theo là vấn đề an sinh xã hội, hàng nghìn người lao động có việc làm, và hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định.

Cảm phục nhường nào khi biết có nhiều “nữ nhi” vượt lên cuộc sống đời thường để “gặt hái” những giải thưởng danh giá, như: Giải “Phụ nữ tự tin, tiến bước” trên toàn quốc có các chị: Hà Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên; Đàm Thị Quy, hội viên phụ nữ xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, nhận giải thưởng Phụ nữ tiến bộ trong các hoạt động vì cộng đồng...

Thông qua đào tạo nghề, hàng nghìn lao động nữ nông thôn có nghề mới. Ảnh chụp lớp đào tạo nghề do Trung tập Dạy nghề (Sở Lao động – TB&XH) tổ chức cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thông qua đào tạo nghề, hàng nghìn lao động nữ nông thôn có nghề mới. Ảnh chụp tại lớp đào tạo nghề do Trung tâm Dạy nghề (Sở Lao động - TB&XH) tổ chức cho bà con dân tộc thiểu số.

Thời công nghệ số, doanh nhân nữ Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của mình trong đời sống xã hội.

Nhất là ở các vùng nông thôn, 50% người lao động là phái đẹp, các chị cần cù, tần tảo, phát huy vai trò làm chủ, tích cực hưởng ứng, tham gia cùng chính quyền địa phương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Nhiều chị đã nhanh chóng tiếp cận, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và làm chủ quy trình sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ở thời nào cũng thế, phái đẹp luôn đẹp. Nhiều chị mang đức nhẫn hy sinh, sẵn sàng làm bóng dáng đứng phía sau cho chồng hãnh tiến. Cũng có nhiều “Yểu điệu thục nữ” tự tin đứng vai chủ doanh nghiệp lớn, góp công sức riêng mình vào thịnh vượng chung của địa phương, tích cực đóng góp vào thành công chung của phong trào phụ nữ cả nước.

Nhân ngày 8-3, khi ngồi vào bàn thực hiện bài viết này, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà văn người Anh, ông Alan Alexander Milne: “Dịu dàng không phải nhu nhược. Dịu dàng mà vẫn cương quyết là bí ẩn của người phụ nữ”.  

Vâng! Trong vẻ đẹp “yểu điệu thục nữ” luôn tiềm tàng một sức mạnh vô hình. Sức mạnh ấy làm nên những Trưng nữ Vương dẫn quân dẹp giặc năm xưa, những nữ chính khách trên bàn đàm phán quốc tế, và những doanh nhân Vàng, bông hồng Vàng của thời đất nước đổi mới, hội nhập phát triển.