Những năm gần đây, “làn sóng” người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, nhà máy ngày càng nhiều. Đây là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này đã và đang dẫn đến tình trạng lao động sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh bị thiếu hụt và già hóa.
Ông Đỗ Văn Sinh (ở tổ dân phố Tân Trung, phường Lương Sơn, TP. Sông Công) chuẩn bị phun thuốc trừ sâu cho lúa. |
Nhiều năm trước đây, khi đến với bãi chè Soi Lai nằm dọc bờ sông Công, thuộc 2 xóm Ao Cang và Hát Trúc của xã Bá Xuyên (TP. Sông Công), vào vụ thu hoạch chè, chúng tôi được chứng kiến không khí tấp nập, xen lẫn tiếng nói, cười của bà con từ già, trẻ, trai, gái. Nhưng nay chỉ còn lại những lao động trung niên, người già hái chè, bởi nhiều người trẻ đã đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy.
Bà Đặng Thị Mai, sinh năm 1969, ở xóm Ao Cang, trước đây chỉ có 1 sào chè ở Soi Lai, nhưng mấy năm nay bà được một hộ dân khác trong xóm cho thêm 3 sào chè nữa để thu hái. Bà Mai cho biết: Con cháu tôi hiện nay đều đi làm việc ở các công ty, nhà máy, chỉ còn lại mình tôi ở nhà gắn bó với cây chè. Mặc dù không có người làm nhưng vì tiếc của nên tôi nhận thêm 3 sào chè nữa, để có thể thu hái kịp lứa, chúng tôi thường đổi công cho nhau.
Nương bãi Soi Lai trước vốn chỉ có một màu xanh của cây chè thì hiện nay có thêm màu xanh của những bãi keo và… cỏ dại. Theo người dân thì nguyên nhân là do một số bãi đất không trồng được chè do ảnh hưởng lũ từ sông Công, còn lại là do nhiều gia đình do không có người làm, không cho ai được nên đành để cỏ dại mọc hoặc trồng keo.
Cũng bởi không có người làm mà nhiều vườn chè ở đây trở nên cằn cỗi, nhiều cây bị chết nhưng không được trồng dặm lại hay cải tạo để trồng mới... dẫn đến năng suất thấp.
Bà Vũ Thị Nga, sinh năm 1960 ở xóm Ao Cang, cho biết: Gia đình tôi trồng giống chè cành LDP1 theo dự án của địa phương từ năm 2000 và duy trì đến nay. Mỗi năm thu được từ 6-7 lứa, bình quân mỗi lứa thu được khoảng 30-35kg chè búp tươi/sào, lứa nào cao nhất thì được khoảng 50kg chè búp tươi/sào. Mặc dù năng suất kém hơn hơn so với trước đây nhưng không có người làm nên không chăm sóc được…
Bà Vũ Thị Nga và nhiều người khác mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn là lao động chính trong sản xuất nông nghiệp. |
Câu chuyện ở Soi Lai cũng dễ dàng bắt gặp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay. Mặc dù năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Đỗ Văn Sinh, tổ dân phố Tân Trung, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), vẫn cấy 9,5 sào lúa. Mọi công việc đồng áng một mình ông Sinh gánh vác vì con cái đi làm công ty hết.
Ông Sinh tâm sự: Tôi vẫn cố gắng duy trì cấy lúa để có thêm thu nhập cho gia đình. Đến khi nào sức khỏe không đảm bảo thì tôi sẽ cho người khác ruộng hoặc đành bỏ không vậy.
Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn, cho biết: Mặc dù đất sản xuất đất nông nghiệp của địa phương còn nhiều, với 676 ha, nhưng lực lượng lao động nông nghiệp chỉ chiếm trên 10% trong tổng số 7.993 người trong độ tuổi lao động của phường. Nhằm hạn chế tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động nông dân bám ruộng; khi không có nhu sản xuất thì cho người khác; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây màu khác nhằm giảm công chăm sóc...
Trong những năm qua, việc ly nông của người dân trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy việc giảm nghèo cho nhiều địa phương.
Tuy nhiên, thực tế này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lao động trẻ. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có tình trạng người dân bỏ ruộng hoang với diện tích lớn, nhưng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có từ nhiều năm nay.
Do vậy, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần có giải pháp khả thi để người trong độ tuổi lao động gắn bó với nghề nông như: Đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tập trung ruộng đất để thực hiện các mô hình canh tác theo hướng hiện đại...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin