"Học không bao giờ cùng"

Thu Nga 07:19, 15/05/2023

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là tấm gương mẫu mực về học tập và học tập suốt đời. Năm 2020, Hội Khuyến học Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức trao học bổng mang tên lời dạy của Bác Hồ "Học không bao giờ cùng". Để hưởng ứng phát động của Trung ương Hội, cùng với 63 tỉnh, thành trong cả nước, bắt đầu từ năm nay, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên phát động và trao thưởng học bổng "Học không bao giờ cùng”.

Ông Hà Đức Thịnh (sinh năm 1954, tổ dân phố Làng Sắn, phường Bách Quang, TP. Sông Công) là một trong những cá nhân tiêu biểu được chọn trao học bổng Học không bao giờ cùng.
Ông Hà Đức Thịnh (sinh năm 1954, tổ dân phố Làng Sắn, phường Bách Quang, TP. Sông Công) là một trong những cá nhân tiêu biểu được chọn trao học bổng "Học không bao giờ cùng".

Học bổng "Học không bao giờ cùng" nhằm hỗ trợ và động viên kịp thời các nhân tố điển hình trong học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo lời dạy của Bác Hồ, qua đó vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, hệ thống Hội Khuyến học trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để thực hiện lời dạy của Người về sự học, góp phần khơi dậy phong trào thi đua học tập trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị.

Bà Đỗ Thị Thìn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Học bổng “Học không bao giờ cùng” cấp tỉnh năm nay được trao đúng vào dịp mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu, cũng là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6). Đây là học bổng mang tính nhân văn sâu sắc nhằm hưởng ứng xây dựng xã hội học tập, thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

12 cá nhân tiêu biểu được lựa chọn từ cơ sở được trao học bổng năm nay có đầy đủ các tầng lớp nhân dân, từ thanh niên đến người cao tuổi, từ trí thức đến nông dân, từ người lao động thủ công nghèo đến nhà sản xuất, doanh nhân…

Họ là những con người bình dị, tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là tích cực học tập, "học trong hoạt động thực tế, học trong sách vở, học trong lao động, học bạn bè và đồng chí, học nhân dân" để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm những việc có ích cho xã hội.

Ông Hà Đức Thịnh (sinh năm 1954, tổ dân phố Làng Sắn, phường Bách Quang, TP. Sông Công) là một trong những cá nhân tiêu biểu được chọn trao học bổng năm nay. Trong thời gian tại ngũ, ông không may bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động 61%. Gia đình sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với thu nhập thấp, lại nuôi hai con ăn học, đời sống gặp nhiều khó khăn. Với ý chí quyết tâm của anh Bộ đội Cụ Hồ, ông đã nỗ lực học hỏi những cách làm kinh tế có hiệu quả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, kinh tế của gia đình cải thiện, đời sống được nâng cao.

Ông Thịnh chia sẻ: Thông qua tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, tôi đã quyết định trồng cây lấy gỗ để phát triển kinh tế gia đình. Với 8.000m2, tôi trồng 2.500 cây keo tai tượng, sau 4 năm đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Trong vai trò Trưởng Ban Khuyến học dòng họ, tôi cũng vận động bà con tích cực học tập và học tập suốt đời; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi thành viên trong dòng họ đối với nhiệm vụ xây dựng “Nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Anh Lê Văn Hiếu, sinh năm 1988, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BIO-Organic, cũng là một cá nhân được xét chọn trao học bổng trong năm nay. Anh từng đoạt giải Nhì nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2010; một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2022; xây dựng thành công doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, mô hình doanh nghiệp kiểu mẫu về chuyển đổi số của tỉnh năm 2022…

Anh Hiếu cho hay: Với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, bản thân tôi đã vận dụng nhiều công cụ học tập như học điện tử (e-learning), học trên di động… để có thể tiếp cận nội dung nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau. Học để biết, rồi kế thừa cái biết sau khi học để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển thêm và ứng dụng vào thực tiễn.

Có học tập suốt đời, người công nhân mới làm chủ máy móc, công nghệ, lao động sáng tạo, tăng năng suất, hiệu quả lao động, trở thành những bàn tay vàng; người nông dân mới có đủ kiến thức, hiểu biết để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác, làm chủ công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, năng suất cao.

Có học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ… thì công chức, viên chức mới có thể làm tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công.

Do vậy, mỗi người dân đều cần cố gắng học tập suốt đời, là hạt nhân để xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, hướng đến xây dựng xã hội học tập.