Đề xuất gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Theo NDĐT 13:53, 09/06/2023

Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có gần 633 nghìn lượt người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan liên quan cũng đang thiết kế gói hỗ trợ 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động.

Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cần sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 632.790 lượt người gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt tư vấn giới thiệu việc làm là 651.062 trường hợp.

Đây là thông tin được người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tổng số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng cho đến hết tháng 4 là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Con số tuyệt đối là 287.780 người và số hỗ trợ được học nghề 4 tháng của đầu năm 2023 là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động hơn 41.046 tỷ đồng.

Chia sẻ về giải pháp làm sao để bảo hiểm thất nghiệp trở thành “bà đỡ” cho thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được gắn với Luật Việc làm. Luật Việc năm 2013 quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bản chất của chính sách này là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là bà đỡ cho thị trường lao động.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian vừa qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điểm phải điều chỉnh. Vừa rồi, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có một chương về bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian tới, để bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là bà đỡ cho thị trường lao động, phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải dùng chính sách này để hỗ trợ.

Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư cao.

Thông thường, kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng như các quỹ ngắn hạn chỉ giữ khoảng 10 đến 20%. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư khoảng 60.000 tỷ.

Thời gian vừa qua, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thường vụ Quốc hội đã có quyết định chi hơn 41.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Kết quả này đã góp phần rất quan trọng cho góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Đồng thời, cũng củng cố niềm tin, sự hào hứng của người tham gia chính sách.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là vấn đề cần phải quan tâm. Trong hoàn cảnh hiện nay, với kết dư cao như vậy, cộng với một số quỹ khác nữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề nghị Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phải tính toán làm sao sử dụng kết dư này có hiệu quả hơn, tập trung vào 2 nội dung: Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc và hỗ trợ đào tạo. Thậm chí có thể cân nhắc giảm mức đóng như thế nào để đỡ một phần cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, trong lúc Nhà nước phải hỗ trợ quỹ này 1%, nhưng hiện nay chưa thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất với Thường trực Chính phủ các giải pháp cụ thể, còn chi tiết thì trong quá trình sửa Luật Việc làm sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội.

Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ta, việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai nhanh chóng.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021), tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 người lao động, người dân; 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.662,502 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho 11.816.380 người lao động với số tiền là 5.598,43 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.

Cụ thể, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả cho hơn 13,3 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với số tiền hơn 31.836 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 347 nghìn đơn vị sử dụng lao động với số tiền là hơn 9.210 tỷ đồng.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, phải tập trung đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là điểm căn cốt trong thực hiện chính sách.

Thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động

Người lao động trong doanh nghiệp ở Hải Phòng. (Ảnh: nhandan.vn)
Người lao động trong doanh nghiệp ở Hải Phòng. (Ảnh: nhandan.vn)

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các cơ quan liên quan đang thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiện nay, chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Thường vụ Quốc hội là sẽ chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết năm 2021, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19; đã chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19 là 30,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Tài chính, như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng. Điều này cho thấy Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn khó khăn, bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động.

Còn theo ý kiến của GS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nguồn thu từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có thể chia sẻ với các nhóm bị ảnh hưởng bởi vấn đề thất nghiệp. Có thể dùng Quỹ này để san sẻ trong hệ thống, cụ thể là với những người tham gia có mức đóng thấp hơn. Điều này sẽ càng khẳng định thêm ý nghĩa của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do Ngân sách Trung ương bảo đảm.

- Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng như sau:

a) Chi trả trợ cấp thất nghiệp;

b) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;

c) Hỗ trợ học nghề;

d) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

đ) Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp;

e) Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

g) Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

(Theo Luật Việc làm 2013)