Sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững nên thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Đồng Hỷ đã tích cực vận động hội viên thực hiện nhiệm vụ này. Đây là một trong những hình thức bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần hình thành lối sống xanh, an toàn trong đời sống, sản xuất của người dân huyện Đồng Hỷ.
Nông dân huyện Đồng Hỷ thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vận để xử lý theo quy trình. |
Đồng Cẩu và Tân Đô là các xóm của xã Hoà Bình được lựa chọn tham gia mô hình “Nông dân Việt Nam tham gia thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực (BVTV) gắn với bảo vệ môi trường” từ giữa năm 2023. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 28 thùng rác nhựa dung tích 240l có gắn trụ bê tông và đặt tại cánh đồng, khu vực tiện cho mọi người đi lại; được tập huấn, hướng dẫn về cách sử dụng phân loại, xử lý rác thải, nhất là đối với rác thải nguy hại như vỏ bao bì thuốc BVTV; ký cam kết sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Sau 6 tháng, lượng rác này sẽ được các thành viên thu gom đưa về khu xử lý rác theo quy định.
Ông Chu Văn Hướng, Trưởng xóm Tân Đô cho biết: Xóm hiện có 123 hộ dân, gần 100ha đất sản xuất trong đó chủ yếu là làm ruộng và trồng chè. Trước đây, bà con tuỳ tiện xả rác, vỏ bao bì thuốc BVTV ngay tại bờ ruộng, mương, suối. Giờ được các cấp, ngành tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các bể chứa rác, thùng rác nhựa bố trí từ trong ngõ xóm, ra cánh đồng nên ý thức của người dân đã nâng lên. Chúng tôi thấy việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn trong sản xuất rất cần thiết, ý nghĩa, nhất là khi xóm Tân Đô đang hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện Đồng Hỷ là gần 10.000ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa khoảng 2.350ha. Do đặc thù sản xuất nông nghiệp nên tình trạng phun, vứt vỏ thuốc BVTV không đúng quy định, đốt rơm rạ sau thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra... Để góp phần xây dựng nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, HND huyện triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Bà An Thị Hương, Chủ tịch HND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Hàng năm, Hội tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường và cách phân loại rác từ nguồn cho hội viên; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, mô hình hay trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; đưa hội viên nông dân thăm các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại các địa phương khác.
HND huyện chỉ đạo Hội các xã, thị trấn đăng ký những việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết; đăng ký các tuyến đường tự quản của nông dân; triển khai phong trào nông dân làm sạch đồng ruộng; định kỳ tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh thôn, xóm; tuyên truyền, vận các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xây dựng bể biogas và chuyển dần ra ngoài khu dân cư; giám sát công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2020 đến nay, HND huyện đã phối hợp tổ chức được 12 lớp tập huấn tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ tài nguyên môi trường đất, môi trường nước, phòng chống rác thải nhựa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho gần 900 cán bộ, hội viên, nông dân; vận động xây dựng được 15 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để tự sản xuất ra các dòng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Từ đó giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin