Vì cuộc sống tốt đẹp hơn của phụ nữ, trẻ em miền núi

Tùng Lâm 09:51, 14/03/2024

Thái Nguyên hiện có trên 380 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 30% số dân toàn tỉnh, trong đó có xấp xỉ 190 nghìn người là phụ nữ. Nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, nhất là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đến nay, Thái Nguyên đã thành lập được 23 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với hơn 650 trẻ em tham gia.

Từ đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức

Xác định khi tư duy, nhận thức thay đổi, hành động cũng đổi thay nên công tác tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng khó luôn được các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị của tỉnh, nhất là tổ chức Hội Phụ nữ đặc biệt quan tâm.

Với 14 đơn vị đầu mối cấp huyện, đơn vị trực thuộc; 190 cơ sở hội và trên 2.250 chi hội, Thái Nguyên hiện có gần 307 nghìn hội viên phụ nữ sinh hoạt, trong đó có trên 48,4 nghìn hội viên người DTTS.

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nói: Để làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, chúng tôi đã thành lập 195 tổ truyền thông cộng đồng với hơn 1.800 thành viên tham gia. Thời gian qua, các tổ truyền thông đã tổ chức 99 lớp tập huấn cho trên 7.700 lượt người tham gia. Đồng thời, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với hình thức đa dạng, nội dung phong phú về bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em… thông qua phát động các chiến dịch, phát hành các ấn phẩm truyền thông; tổ chức liên hoan giao lưu. Nhờ đó đã giúp phụ nữ, trẻ em vùng khó của tỉnh nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và loại bỏ được các hủ tục trong đời sống của người dân vùng cao (hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn…).

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức các lớp truyên truyền về kiến thức giới, pháp luật giới cho hàng nghìn cán bộ và người dân ở vùng DTTS và miền núi tham gia. Các ngành, đoàn thể cấp huyện cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, tuyên truyền về giới với hàng chục nghìn người tham gia.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm tuyên truyền cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số về bình đẳng giới.

Đến những kết quả tích cực

Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư duy của phụ nữ vùng khó ở Thái Nguyên được khai thông. Đây chính là lý do để nhiều chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, vùng cao của tỉnh được triển khai hiệu quả. Bà Hứa Thị Châu Giang cho biết thêm: Thời gian qua, 100% hộ nghèo do phụ nữ người DTTS làm chủ hộ có nhu cầu hỗ trợ đã được các cấp hội phụ nữ giúp đỡ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động vay vốn tín chấp được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy quyền; hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động…

Các cấp hội duy trì, phát triển hoạt động tiết kiệm, vay vốn giúp phụ nữ nghèo ở vùng đồng bào DTTS khá hiệu quả. Đến nay, chúng tôi đã thành lập mới và củng cố 182 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã trao tặng các vật dụng thiết yếu và hỗ trợ cho các mô hình do tỉnh chủ trì thành lập với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, các hoạt động hỗ trợ nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ vùng khó đã góp phần nâng cao vị thế phụ nữ DTTS. Nhiều hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ đã có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo, tự tin khẳng định mình (năm 2023, toàn tỉnh có trên 700 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo và cận nghèo).

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên vận động các doanh nghiệp tặng quà trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh, nhất là ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cho hay: Chúng tôi rất phấn khởi khi nhiều phụ nữ DTTS ở địa bàn miền núi, vùng cao của Văn Lăng nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung đã từng bước tiếp cận với cách thức sản xuất mới khi đưa các loại cây, con giống năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới nằm trong Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thái Nguyên là 1 trong 8 tỉnh đại diện các vùng miền được Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn chỉ đạo điểm để triển khai Dự án 8.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Sen, 39 tuổi, dân tộc Tày, xóm Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Hoàn cảnh gia đình chị Sen khá khó khăn khi một trong 3 con của chị bị khuyết tật bẩm sinh. Trong khi đó, vợ chồng chị đều có thu nhập bếp bênh, cả gia đình chỉ trông vào sản xuất mấy sào chè cằn cỗi. Nắm bắt được hoàn cảnh của chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo điều kiện giúp chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rừng. Nhờ đó, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định và đã thoát nghèo 3 năm trước. Hiện tại, gia đình chị vẫn được tạo điều kiện vay vốn dành cho hộ thoát nghèo để đầu tư phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi đang được Thái Nguyên thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian tới, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên vẫn rất cần được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.