Lần đi tìm hiểu thực tế tại một bệnh viên trong tỉnh cách đây chưa lâu khiến tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh một bệnh nhân nữ, tuổi chừng 60, ốm yếu, đang ngồi cô độc một góc ở buồng bệnh. Thời điểm ấy, bác sĩ, điều dưỡng đang thăm khám, chăm sóc người bệnh, cả phòng rôm rả chuyện trò qua lại giữa cán bộ y tế và bệnh nhân, chỉ có người phụ nữ gày gò kia là không ai bắt chuyện.
Bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên luôn ân cần chăm sóc bệnh nhân (Ảnh minh họa). |
Khi bác sĩ và cô điều dưỡng đi rồi, tôi lại gần hỏi thăm người phụ nữ, bà buồn rầu nhìn tôi bằng ánh mắt tủi thân. Từ chia sẻ của bà, tôi được biết, bà gặp tai nạn giao thông, bị thương khá nặng nên phải điều trị tại bệnh viện cả tháng trời. Ở phòng bệnh này, mọi người không ai ưa bà vì nghe thông tin, ở nhà, bà là người mẹ khắc nghiệt, không ủng hộ chuyện cưới xin của con gái; với xóm làng, bà là người ngay thẳng, có gì không hay không phải nói luôn, cách nói chuyện lại rất gay gắt, thiếu tế nhị… Có người còn tung tin sai sự thật là bà theo tà đạo nên thể hiện sự tẩy chay rất rõ.
Người bệnh không ưa bà đã đành, cả cán bộ y tế cũng không ân cần với bà vì cho rằng bà là người dễ bị kích động, có thể gây gổ với họ bất cứ lúc nào. Mỗi lần khám bệnh hoặc tiêm thuốc cho bà, họ đều nhìn bà với ánh mắt đề phòng khiến bà rất áp lực. Ốm đau phải nhập viện, bà chỉ mong được mọi người xung quanh chia sẻ, cán bộ y tế quan tâm, hỏi han để bà nhanh chóng vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Câu chuyện của nữ bệnh nọ khiến tôi không khỏi chạnh lòng khi ở đâu đó, trong môi trường bệnh viện, có bệnh nhân đang cần lắm sự sẻ chia của những con người mang trên mình “sứ mệnh cứu người” lại phải chịu cảnh phân biệt đối xử như thế này.
Thiết nghĩ, đã là y, bác sĩ, khi thực hiện nhiệm vụ cứu người, không chỉ đặt vấn đề chuyên môn ở trong đó mà cần có sự động viên tích cực với những người đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết. Bệnh nhân đến chữa bệnh, có thể là những người tốt bụng, cũng có thể là những người cá tính mạnh mẽ hoặc khó tính, thậm chí là cả những người đã từng có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, khi họ đến bệnh viện chữa bệnh, cán bộ y tế cũng nên có sự quan tâm một cách hài hòa nhất. Bởi trên thực tế, khi ở bệnh viện, họ cũng là bệnh nhân, cũng cần được chăm sóc và sẻ chia. Chúng ta, mỗi người, hãy gạt sự riêng tư, những câu chuyện cá nhân sang một bên để việc thực thi nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả cao nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin