Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ người dân miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho đồng bào.
Xã Hà Châu (Phú Bình) triển khai mô hình trồng cây trám đen theo dự án cấp tỉnh về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản cây trám đen theo hướng hàng hóa. |
Thâm canh cây na rải vụ tại Võ Nhai là một trong những mô hình ứng dụng KHCN được đánh giá cao, mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân của huyện vùng cao này. Được thực hiện tại “vựa” na của huyện là La Hiên và Phú Thượng, mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trong giai đoạn 2021-2024 đã thu hút 100 hộ tham gia.
Tiến hành quy trình kỹ thuật trong thâm canh rải vụ, điều khiến bà con tham gia mô hình phấn khởi là cây na sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh; thay vì cho quả chín cấp tập từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 hằng năm thì mùa thu hoạch na rải vụ được chia làm 3 đợt. Cụ thể, vụ thu hoạch sớm là đầu tháng 8 (25 đến 30% sản lượng); lứa quả chính vụ cuối tháng 8, đầu tháng 9 (55 đến 65% sản lượng); lứa chín muộn vào tháng 10 và 11 (10 đến 15% sản lượng).
Ông Tầm Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã La Hiên, nhận định: Bà con rất phấn khởi khi hạn chế tình trạng tồn ứ, giá bán na thấp vào chính vụ (giá bán na cao hơn trước khoảng 20-30%). Đặc biệt, vụ na thu hoạch muộn có thể bán với giá 50-60 nghìn đồng/kg, gấp đôi hoặc ba lần so với chính vụ. Đáng nói, sản lượng na rải vụ cũng đạt khá cao (tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với thâm canh na truyền thống), từ 130 đến 160 tạ/ha.
Ngoài mô hình thâm canh na rải vụ, khoảng 3 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã triển khai trên 30 nhiệm vụ KHCN có liên quan trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho hay: Một số ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiêu biểu được triển khai thành công, mang lại hiệu quả tích cực phải kể đến là mô hình trồng nho Hạ Đen chất lượng cao trên địa bàn TP. Thái Nguyên; nghiên cứu trồng thử nghiệm và phát triển một số giống táo mới có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ sản xuất cây ăn quả hàng hóa tại TP. Phổ Yên và 2 huyện Phú Bình, Đồng Hỷ; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản quả trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”.
Ngoài những ví dụ nêu trên, các mô hình ứng dụng KHCN vào trồng cây dược liệu sâm Bố chính trên đất vườn rừng; công nghệ nuôi cá tầm Siberi khai thác trứng thương phẩm; gây trồng một số loài lan rừng có giá trị kinh tế cao và lưu giữ, chăm sóc các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá rất cao. Đặc biệt, mô hình kỹ thuật nhân giống, trồng và chế biến cây trà hoa vàng tại các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và Võ Nhai; nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại các hồ nước ngọt trong tỉnh… đã được đồng bào hưởng ứng.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên đã triển khai 5 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Các dự án này đều nằm trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, được thực hiện trên các địa bàn vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh như: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương.
Tổng kinh phí thực hiện các dự án là 36,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 18,3 tỷ đồng; kinh phí đối ứng hơn 17,6 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách của tỉnh.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Việc thực hiện thành công các mô hình nghiên cứu, hỗ trợ ứng dụng KHCN ở miền núi, vùng cao đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin