Y học cổ truyền ở Thái Nguyên

Thanh Xuân 10:17, 03/03/2024

Từ xa xưa, đất Thái Nguyên đã có tiếng là nơi có nhiều sản vật có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì cam vàng, quýt đỏ là sản vật ở huyện Tư Nông (Phú Bình); hậu phác, sa nhân là sản vật ở các châu, huyện: Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Lương. Nhung hươu, mật gấu, sáp ong các huyện đều có.

Những loại sản vật của núi rừng Thái Nguyên này đã được người dân dùng làm thuốc chữa bệnh. Từ thực tiễn, nhiều loại thuốc, nhiều bài thuốc nam được lưu truyền trong các gia đình, trong các làng bản từ đời này qua đời khác trở thành phương thuốc gia truyền chữa được nhiều loại bệnh tật, như: Sốt rét, phong hàn, tiêu chảy, kiết lỵ, ngộ độc, cam sài, rắn cắn…

Kinh nghiệm hái thuốc, chế biến thuốc, chữa bệnh thường có ở những gia đình Nho học, những ông thầy cúng, những bà mế. Phương cách chữa bệnh bằng thuốc nam là phương cách phổ biến thời phong kiến ở Thái Nguyên.

Kế thừa và phát huy những tri thức về vốn y học cổ truyền dân tộc, nhiều thầy thuốc đông y giỏi đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của tỉnh. Từ tháng 7-1958, Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên và Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn chính thức được thành lập và năm 1965 sáp nhập thành Hội Đông y tỉnh Bắc Thái. Hội đã làm tốt nhiệm vụ vận động, tập hợp, đoàn kết giới lương y trong toàn tỉnh, nhiều ông lang, bà mế giỏi đã được kết nạp vào Hội. Nhiều bài thuốc gia truyền của các dân tộc trên địa bàn Thái Nguyên đã được sử dụng rộng rãi trong việc chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân với phương thức Đông - Tây y kết hợp.

Trong những năm 1960-1970, các bài thuốc hay đã được ứng dụng trong công tác khám, chữa bệnh, hàng trăm bệnh nhân mắc các chứng bệnh sỏi đường tiết niệu, sỏi mật được chữa khỏi. Nhiều bài thuốc được sản xuất thành dạng sirô, thuốc rượu, thuốc sắc, thuốc hoàn tán đã chữa khỏi nhiều căn bệnh như thấp khớp cấp, đau thần kinh tọa...

Tại các huyện, thành trong tỉnh, hàng chục phòng chẩn trị hợp tác xã thuốc nam đã ra đời. Các hợp tác xã thuốc nam, ngoài chẩn trị bốc thuốc, các lương y còn châm kim, cứu ngải, đốt bấc, chích lể, khêu cam, được đông đảo bà con tín nhiệm.

Qua nhiều năm hoạt động, Hội Đông y Thái Nguyên đã sáng chế được nhiều bài thuốc hay, trồng được nhiều cây thuốc có khả năng chữa bệnh cao, các phương pháp chữa bệnh của hội viên, lương y, ông lang, bà mế được áp dụng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.