Vẫn chuyện thiếu – thừa nhà văn hóa xóm

03:38, 19/07/2022

Sau khi thực hiện việc sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố (gọi chung là xóm), huyện Đồng Hỷ đã sắp xếp, kiện toàn lại từ 205 xóm xuống còn 143 xóm. Việc này đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng phát sinh tình trạng một số nơi thừa nhà văn hóa (NVH) xóm nhưng thiếu diện tích sử dụng...

Theo số liệu thống kê, từ tháng 12-2018 đến đầu năm 2020, huyện Đồng Hỷ có 111 xóm thuộc 14 xã, thị trấn (trừ xã Tân Long) không đủ tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích đã thực hiện sáp nhập thành lập 49 xóm mới.

Sau sáp nhập, có 48 NVH được sử dụng làm NVH trung tâm xóm, còn lại dôi dư 60 NVH xóm đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” hơn 2 năm nay.

Trong tổng số 48 NVH được sử dụng làm NVH trung tâm xóm thì chỉ có 36 NVH đạt chuẩn, 12 NVH còn lại cũng chưa đạt chuẩn.

Đứng trước khuôn viên NVH La Giang 1, xã Quang Sơn, bà Nguyễn Thị Lự cho biết: Thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, 58 hộ dân xóm La Giang 1 (trước khi sáp nhập) đã đối ứng số tiền khá lớn để hoàn thành công trình này, góp phần đưa xã Quang Sơn về đích nông thôn mới vào năm 2017. Nhưng từ khi sáp nhập vào xóm La Giang 2 công trình đã bị bỏ không…

Cùng chung “số phận” bị bỏ không hơn 2 năm nay, gần 50 NVH xóm trước đây được chính quyền các cấp hỗ trợ, nhân dân địa phương đóng góp kinh phí đầu tư xây là nơi tổ chức các cuộc họp, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân nay bị bỏ không. Nhiều NVH được đầu tư với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, nay không được sử dụng.

Trong khi đó, khi sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố thì số dân tăng lên, quy mô NVH của xóm đã xây dựng lại quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng.

Xóm Đồng Tâm, xã Quang Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xóm: Lân Tây, Viến Ván, La Tân. Sau sáp nhập, xóm Đồng Tâm có 3 NVH và cả 3 NVH này đều không đạt chuẩn do không đủ sức chứa so với quy mô dân số của xóm sau sáp nhập.

Ông Lâm Viết Dũng, Trưởng xóm Đồng Tâm, cho biết: “Cả xóm hiện có trên 160 hộ dân, trong khi đó 3 NVH của xóm chỉ có sức chứa tối đa 70 người/nhà. Chúng tôi chọn NVH Lân Tây làm NVH trung tâm xóm do có quy mô và vị trí thuận lợi hơn cả. Nhung mỗi lần tổ chức sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi phải kê thêm ghế ra ngoài sân để người dân ngồi.

Còn xóm Bình Minh, xã Minh Lập hiện sử dụng 4 NVH do được sáp nhập từ 4 xóm là La Đòa, Cầu Mơn 1, Cầu Mơn 2 và La Rịa.

Ông Nông Thanh Quảng, Trưởng xóm Bình Minh, cho rằng: Mặc dù có nhiều NVH hơn các xóm khác song các NVH này được xây dựng đã lâu, theo quy mô dân số cũ nên hầu hết là không đủ sức chứa, xuống cấp. Việc tổ chức các buổi họp dân vốn không mấy khó khăn khi chưa sáp nhập thì nay lại trở thành một “bài toán” cho xóm mới. Do các NVH nằm rải rác tại các khu vực khác nhau nên không thể lần này họp ở NVH xóm này, lần sau họp ở NVH xóm khác vì có nơi người dân sẽ phải di chuyển 2-3km mới tới nơi họp. Do vậy, sau sáp nhập, thời gian đầu các buổi họp xóm vẫn phải chia về các điểm dân cư, hầu như xóm nào vẫn sinh hoạt tại xóm đấy. Sau này, khi xã Minh Lập được chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, cư dân xóm Bình Minh đã chọn NVH Cầu Mơn 2 làm NVH trung tâm xóm và NVH này đã được Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng để làm mái vòm khu vực ngoài sân. 

Việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng các NVH xóm, tổ dân phố sau sáp nhập sao cho phù hợp, hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của của Nhà nước và người dân vẫn đang là bài toán khó đối với huyện Đồng Hỷ nói riêng và hầu hết các địa phương trong tỉnh nói chung.