Tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ

09:56, 26/11/2008

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, ngày 21 tháng 9 năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2006-2010”.

Đề án đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi địa phương, cơ sở đều chọn từ 3 đến 5 cơ sở để chỉ đạo điểm và nhân rộng. Sau hơn 2 năm thực hiện, những nội dung và giải pháp của Đề án đã được cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo thành nền nếp trong công tác của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống người dân như: Đóng góp các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chỉnh trang đô thị; thực hiện các chính sách xã hội, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,…

Thông qua thực hiện Đề án, nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về Quy chế dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, vị trí, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới tiếp tục được khẳng định. Thông qua các hình thức đối thoại và lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc bầu trưởng thôn, bản, tổ dân phố, góp ý cho cán bộ lãnh đạo,… đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.

Thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến các hoạt động xã hội hoá trong Y tế, Giáo dục, xây dựng môi trường văn hoá từ cơ sở, góp phần phát huy nội lực trong nhân dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tạo điều kiện để nhân dân tự bàn, tự giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân được đưa ra giải quyết ổn thoả. Nhân dân quan tâm kiện toàn các tổ tự quản; Ban Thanh tra nhân dân; tổ hoà giải, cảm hoá những người lầm lỡ; xây dựng địa bàn không có tội phạm; đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Công tác tiếp dân trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Các tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo việc mở rộng dân chủ trực tiếp trong nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Hoạt động giám sát, kiểm tra của Đảng bộ các cấp được tăng cường.

Để Đề án 04 thực sự mang lại hiệu quả trong cuộc sống, Tỉnh đã chỉ đạo cấp uỷ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Trong thời gian tới, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ được cụ thể hoá phù hợp, sát thực hơn nữa với từng loại hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hành chính, các doanh nghiệp,…Các cấp uỷ chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao dân trí, đặc biệt là những kiến thức về pháp luật để mọi tầng lớp nhân dân có thể hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phát huy tốt vai trò làm chủ trong thực tiễn cuộc sống.