Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và biểu hiện lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại các cấp chính quyền địa phương có dấu hiệu tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Tội phạm tham nhũng bị tòa án đưa ra xét xử rồi cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ lớn, tỷ lệ tài sản bị thiệt hại do tham nhũng thu hồi được rất thấp… Đây là những tồn tại bức xúc trong công tác phòng chống tham nhũng cần sớm được khắc phục.
Mới có 44 người đứng đầu bị xử lý
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Bộ CA đã thụ lý 16 vụ, 94 bị can, trong đó khởi tố mới 7 vụ, 53 bị can. Cả nước có 267 cán bộ vi phạm các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp bị phát hiện. 18 cá nhân, tập thể thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, số vụ tham nhũng được xử lý vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế vì thiếu thể chế khắc phục. Tiêu cực, nhũng nhiễu tiếp tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn và khi phát hiện được thì đã gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách nhà nước. Đáng chú ý là việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mặc dù đã được Ban chỉ đạo TƯ về PCTN theo dõi, đôn đốc nhưng vẫn bị kéo dài. Có những vụ được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Do đó, giá trị tài sản, đất đai sai phạm rất lớn thu hồi được còn rất ít. Một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả hoặc do hết thời hạn điều tra vẫn chưa chứng minh được thiệt hại. Con số nộp trả quà biếu cũng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để hối lộ diễn ra khá phổ biến nhưng mới có 44 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).
Nặng bệnh quan liêu
Thực tế, nguyên nhân chính dẫn đến công tác PCTN chưa đạt hiệu quả là do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện rõ quyết tâm. Ai ai cũng thấy, ai ai cũng nói phải PCTN, thế nhưng tham nhũng ở đâu… không ai chỉ rõ ra được. Vì vậy, rất cần có những giải pháp đặc biệt hơn cho Thanh tra Chính phủ và cơ quan chức năng trực tiếp thực thi công tác PCTN. Nếu không có đột phá thì sẽ khó tạo chuyển biến.
Đáng lưu ý hiện nay là tình trạng vụ việc tham nhũng phát hiện nhiều, xử lý ít, lớn chuyển thành bé, tội nặng thành tội nhẹ; nhiều vụ việc gây thiệt hại về tài sản lớn, thu hồi lại thấp chưa có giải pháp khắc phục. Lý giải những vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Đức Lượng cho biết: Trong nhiều trường hợp sai phạm được kết luận rất lớn, nhưng việc thu hồi không khả thi; khả năng hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ quản lý cũng rất khó khăn. Tiêu biểu là hiện tượng doanh nghiệp nhà nước đã dùng tiền mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, dẫn đến mất vốn. Theo ông Lượng, số vụ loại này chuyển xử lý hình sự ít và còn một số khác đã xử lý hành chính theo quy định của pháp luật... Ngoài ra, việc chứng minh được yếu tố vụ lợi, tham nhũng trong các vụ án kinh tế là rất khó khăn. Ai cũng biết mua sắm thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng thì khó định giá, rất dễ "gửi giá", nhưng chứng minh được không phải dễ, nhất là trong mua sắm có yếu tố nước ngoài; bởi cái lý đưa ra là mua đồ cũ thì giá rẻ, phù hợp với ngân sách hạn chế.
Kết quả khảo sát do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện cho thấy, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại chính quyền các địa phương tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Việc một số vụ án lớn, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng như vụ cố ý làm trái tại Vinashin, Vinalines... đã gây bất bình, bức xúc trong nhân dân. Qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý hành chính, số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Do đó, cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Rõ ràng, ngoài việc cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về PCTN, thì muốn công tác này có chuyển biến tích cực, thu được kết quả rõ nét, các cơ quan chức năng liên quan cần phải biến quyết tâm cao thành những hành động cụ thể, thiết thực.