Thái Nguyên là tỉnh miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 27% dân số của tỉnh, có 44 xã đặc biệt khó khăn và xã ATK được hưởng Chương trình 135. Đồng bào DTTS tập trung đông ở các xã miền núi, vùng sâu, xa. Có nhiều xóm tỷ lệ người DTTS chiếm từ 60-90%.
Đây là những vùng có vị trí chiến lược đặc biệt về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, có tiềm năng về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và là vùng căn cứ cách mạng. Tuy nhiên, đây lại là vùng kinh tế phát triển còn chậm, khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng miền khác, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đa số người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề; chất lượng dịch vụ y tế còn thấp; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định.
Trong hai năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào DTTS. Nhiều chương trình, chính sách như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho người dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số... được thực hiện đồng bộ. Riêng Chương trình 135 giai đoạn II, 6 tháng đầu năm 2013 đã đầu tư 58,720 tỷ đồng chuyển về thực hiện ở các địa phương. Để nâng cao dân trí cho bà con, các ban ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt người dân. Việc dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đã đạt được kết quả bước đầu, một số thanh niên đã đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo chí cho vùng đồng bào thiểu số và vùng núi đã góp phần nâng cao nhận thức và trình độ của người dân.
Vùng đồng bào DTTS không chỉ được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm mà lực lượng vũ trang trên địa bàn cũng dành nhiều công, của đầu tư với mong muốn diện mạo vùng núi, vùng cao khởi sắc hơn. Điển hình là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh năm 2011 đã tổ chức đưa 50 cán bộ, chiến sĩ đi huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận trong thời gian 1 tháng tại xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) với tổng trị giá các công trình, ngày công lao động, quà tặng của bộ đội, các đơn vị doanh nghiệp và nhân dân là gần 1 tỷ đồng. Năm 2012, phối hợp tổ chức tại xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương giúp đồng bào lao động sản xuất, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa xóm... Các hoạt động trên đã góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đối với Đảng và Nhà nước.
Cùng với việc thực hiện các chương trình, phong trào thi đua yêu nước, hơn 2 năm qua, phong trào thi đua dân vận khéo (DVK) của tỉnh đã giúp nâng cao nhận thức trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương pháp công tác DVK của cả hệ thống chính trị. Dân vận khéo đã trở thành một trong những nội dung giải pháp cơ bản nhất để thực hiện phong trào thi đua. Một trong những nội dung của DVK là thuyết phục, khơi dậy trách nhiệm công dân, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo tự chủ của nhân dân, đặc biệt là bà con DTTS. Hầu hết các mô hình, điển hình đều bắt nguồn từ sự mạnh dạn đổi mới của cá nhân, phù hợp với tình hình của địa phương. Đó là cách vận động trong giải phóng mặt bằng cho các dự án, hiến đất làm đường trong thôn, bản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần xóa bỏ tập quán lạc hậu. Chính từ cách làm ở cơ sở đã giúp Ban Dân vận các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhanh chóng đổi mới nội dung, phương pháp vận động nhân dân. Đi vào chi tiết, cụ thể, từng hộ, từng người dân để thuyết phục, hướng tới mục tiêu, hiệu quả thiết thực.
Từ đó, trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng đã xuất hiện nhiều điển hình là người DTTS “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, xem việc của dân như chính việc của mình như ông Triệu Văn Lợi, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ xóm Tân Yên, Mỹ Yên (Đại Từ) đã vận động dân bản giữ gìn bản sắc dân tộc; ông Diệp Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, Phó xóm Cầu Mành, xã Bàn Đạt (Phú Bình) vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phuơng; ông Lý Văn Sinh, dân tộc Mông, Trưởng xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đã tuyên truyền bà con người Mông trong xóm giữ gìn an ninh trật tự, không đi theo tà đạo, xây dựng cuộc sống lành mạnh; ông Hoàng Văn Sỉnh, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và rất nhiều điển hình là người DTTS khác có mặt ở hầu hết các thôn, bản của tỉnh.
Nói về sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vùng đồng bào DTTS, đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Trước đây cũng như hiện nay, Đảng bộ tỉnh luôn chỉ đạo quan tâm, đẩy mạnh đầu tư về mọi mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; tiếp nhận và triển khai có hiệu quả chương trình đầu tư cho miền núi, vùng cao nhằm nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho bà con DTTS. Sự quan tâm đó không chỉ tạo niềm tin của bà con đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà còn giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Bà Lê Thị Lìu, 61 tuổi, dân tộc Sán Dìu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Ao Sen, xã Thành Công, huyện Phổ Yên: Xóm tôi có 240 hộ, 1.424 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Sán Dìu chiếm 99,8%. Chi hội Phụ nữ của xóm có 124 người tham gia. Do địa bàn rộng, giao thông lại khó khăn nên hoạt động của chi hội phụ nữ cũng gặp phải một số hạn chế. Tôi luôn vận động chị em trong Chi hội giữ gìn những nét đẹp về bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu từ việc ăn mặc, sinh hoạt, lời ca tiếng hát… Tuy nhiên do trình độ văn hóa của bản thân còn thấp nên việc tuyên truyền vận động của tôi còn chậm và mất nhiều thời gian. |
Chị Lý Thị Minh, 27 tuổi, dân tộc Mông, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương: Xóm tôi có 45 hộ, 235 nhân khẩu là người dân tộc Mông. Hiện đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhất là việc trồng trọt chưa chủ động được nguồn nước. Chi hội Phụ nữ có 42 hội viên, người cao tuổi nhất là 73, ít tuổi nhất là 19. Là Chi hội trưởng, tôi đã vận động hội viên trồng rừng, trồng sắn lai, bỏ dần tập quán canh tác lạc hậu. Chị em chúng tôi còn bảo nhau nuôi lợn nhựa tiết kiệm được 23,5 triệu đồng, tiết kiệm ngô được 615kg để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. |