Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng tới kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5). Để mở tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có sự cống hiến, hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng Thanh niên xung phong… Đại tá, cựu chiến binh Lưu Đức Mậu, hiện ở tổ 2, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) là một trong những người đó.
Năm 1934, ông Mậu được sinh ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Năm ông 12 tuổi, cha mẹ ông dắt con chạy tản cư sang vùng đất Thạ Bò, Noong Khai (Thái Lan). Năm 1950, tại Thái Lan, ông tham gia quân tình nguyện Việt Nam, nhưng đến năm 1953, ông mới chính thức được nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện 3 tháng, ông được điều động trở lại Viêng Chăn, trực tiếp cầm súng chiến đấu chống thực dân Pháp tại Lào. Sau hòa bình lập lại (năm 1954), ông cùng đơn vị tập kết trở về Việt Nam. Kể từ đây, ông có điều kiện cống hiến trực tiếp cho Tổ quốc.
Nhớ lại những câu chuyện năm xưa, ông chậm rãi kể: Trở về Việt Nam, cuối năm 1954, tôi được biên chế vào Sư đoàn 335 đóng quân ở Thanh Hóa, sau đó cùng đơn vị hành quân lên miền Tây Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, chuẩn bị lực lượng cho chiến trường miền Nam. Cũng trong những ngày tháng đó, tôi mới thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc… Ông dừng lời xúc động, đôi mắt mờ đục vì tuổi tác như nhìn về miền xa lắc của thời quá khứ.
Trong thời gian tham gia huấn luyện tân binh, ông tranh thủ khi rảnh rỗi mỗi ngày để ôn tập kiến thức, rồi thi đỗ vào Khoa Cầu đường của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 1960). Sau 4 năm đèn sách (1960-1964), ông tốt nghiệp, trở về đơn vị và được điều động sang nước bạn Lào tham gia thiết kế, chỉ huy bộ đội xây dựng một số công trình quốc phòng tại Sầm Nưa. Hơn 5 năm sau (1969), ông về nước, được điều động về Trung đoàn 217, thuộc Đoàn 559 (tức Binh đoàn Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Công binh), rồi lại được điều chuyển sang Trung đoàn 98, làm Trung đoàn trưởng. Nhiệm vụ của đơn vị là khảo sát, thiết kế mở đường từ Sa Trầm, Hướng Hóa (Quảng Trị) qua A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Bến Giềng (Quảng Nam) đến Long Đại (Quảng Bình), đây là một đoạn trên tuyến đường Trường Sơn. Ông bảo: Với tôi, trong những năm đóng góp công sức cùng đơn vị tham gia mở đường để quân đội ta đưa quân lương, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam thật hết sức có ý nghĩa. Vì đó là những năm tháng rất ác liệt, gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe thật chân tình, mộc mạc, nhưng cứ hiển hiện như từng thước phim lịch sử. Theo ông, để làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại cho những chuyến xe qua, cho từng đoàn quân vào Nam chiến đấu, những người lính Đoàn 559 luôn phải đối mặt với sự hy sinh, gian khổ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại trên tuyến đường. Nhưng, tất cả cho quyết tâm thông đường, nên trong đơn vị luôn có các phong trào bảo đảm ngày công trên tuyến, bảo đảm thông xe trong mọi thời điểm, điều kiện thời tiết. Vì miền Nam ruột thịt, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã không quản gian khổ, hy sinh, có những đoạn đường bộ đội ta phải buộc dây ngang người, treo mình trên vách đá để choòng, khoan đặt thuốc nổ phá đá mở đường. Có những ngày mưa triền miên, cơm chỉ có đọt măng rừng chấm muối, quần áo ướt sũng nhưng quân số của đơn vị do ông phụ trách luôn bảo đảm có mặt trên đoạn, tuyến được giao.
Cũng trên tuyến đường đầy máu lửa và nước mắt ấy, bộ đội ta phải thường xuyên đối diện với bom đạn của giặc Mỹ. Ông Mậu kể: Có những trận bom B52 dội xuống đã xóa sổ cả một đại đội công binh. Nhưng ngay sau khi các đơn vị làm xong công tác thương binh, tử sĩ thì bộ đội ta lại có mặt trên tuyến đường. Trong thời gian phụ trách một đơn vị mở đường, tôi đã cho bộ đội đánh mìn phá đá vào lúc máy bay địch trút bom đạn xuống gần khu vực. Vì làm như thế sẽ bảo đảm được bí mật, lại vừa an toàn cho bộ đội. Nhiều lần khác, các tuyến đường đang mở bị máy bay địch đánh phá, tôi nói vui: Địch đánh bom xuống tuyến đường, bộ đội ta không mất công khoan, choòng đặt mìn phá đá, tiết kiệm được công sức, mồ hôi của bộ đội mà tuyến đường được mở nhanh hơn.
Kể chuyện về ông Mậu, nhiều đồng đội cũ nói vui: Đạn bom Mỹ không khuất phục được ông. Vì có lần máy bay Mỹ ném bom xuống mặt đường, trong đó 1 quả bom phá rơi ngay cạnh hầm trú ẩn, hất tung ông lên cao rồi văng xuống đất. Ông tỉnh dậy ở Quân y viện với một cơ thể lành lặn. Đồng đội đứng quanh giường reo lên: Sống rồi. Mọi người ôm lấy nhau xúc động. Ông Nguyễn Văn Dinh, bộ đội cấp dưới của ông Mậu thời đó cho biết thêm: Ông Mậu là người lanh lẹ, luôn có những sáng kiến quý báu trong công việc và động viên cán bộ, chiến sĩ kịp thời trong mọi hoàn cảnh. Do đó ông được chiến sĩ chúng tôi quý mến gọi là người anh cả trong đơn vị. Cho đến bây giờ cũng thế, chúng tôi vẫn đến nhà thăm ông, cùng nhau ôn lại những ngày tham gia mở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mậu cùng đơn vị tham gia xây dựng hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Đến năm 1978 ông được điều chuyển ra Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi về Quân khu 1 làm Phó Chủ nhiệm phụ trách công binh; làm Trưởng phòng xây dựng cơ bản của Quân khu 1 rồi làm Chủ nhiệm Hậu cần Trường Quân chính Quân khu 1. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá. Trong suốt thời gian phục vụ Quân đội, ông được điều chuyển qua nhiều đơn vị, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huy chương ghi nhận thành tích chiến đấu khác.
Ông tự hào: Tôi sinh ra trên đất nước Lào, lớn lên ở Thái Lan và được cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc Việt Nam. Với tôi, quãng đời đẹp nhất là những ngày tham gia mở đường Trường Sơn, ở đó năm 1971 tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, và cũng ở đó tôi bị bom vùi, sau này được công nhận là thương binh hạng 4/4 và là nạn nhân chất độc da cam/điôxin…
Về với đời thường, ông luôn sống gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào chung và được nhân dân nơi cư trú quý mến. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa sáng trong ông - một người đã từng góp sức làm nên tuyến đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.