Một đề án nhiều mục tiêu

Hoàng Anh 16:19, 14/09/2022

Kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia; thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, thuận tiện cho người dân, chính quyền; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và đấu tranh phòng, chống tội phạm… Đây là những mục tiêu mà Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06) hướng đến.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại phường Bách Quang (TP. Sông Công) ngày 5/7/2022.
Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại phường Bách Quang (TP. Sông Công) ngày 5/7/2022.

Đề án 06 có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và lĩnh vực. Đề án hướng tới 5 nhóm tiện ích, gồm: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. 

Trước hết, nói về những giá trị, lợi ích của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ được xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ để tạo ra các giá trị mới. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với quá trình phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc nhằm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin. Việc này giúp giảm chi phí ngân sách Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 

Khi cơ sở dữ liệu này được hình thành sẽ thiết lập một hệ thống danh tính số thống nhất, chính xác cho người dân với đầy đủ tính pháp lý, bảo đảm an toàn thông qua chìa khóa là số định danh cá nhân. Trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, trước hết là 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động… 

Từ đây, các TTHC được đơn giản hóa, yêu cầu về cấp, lưu hành các giấy tờ của công dân ở dạng giấy sẽ dần được quản lý, thực hiện dưới dạng điện tử. Trong quá trình giao dịch với cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp không cần xác minh nhiều lần khi thực hiện giao dịch, từ đó giảm bớt các yêu cầu về xuất trình, đi lại, giao tiếp trực tiếp cũng như các chi phí xã hội có liên quan.

Cán bộ, công chức phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) tiến hành nhập dữ liệu hộ tịch, dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cán bộ, công chức phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) tiến hành nhập dữ liệu hộ tịch, dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện nay, mỗi công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ…, gây khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý cũng như thực hiện các giao dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Đề án 06 đặt ra mục tiêu xác thực 100% thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng điện tử hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử phục vụ tiện ích số của công dân. 

Không những vậy, chíp điện tử có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng, hình ảnh…) cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của công dân. Mỗi người sẽ trở thành một công dân số và được định danh trên thẻ căn cước công dân. 

Có thể thấy, một trong những tiện ích ban đầu dễ nhận thấy mà người dân đã và đang được hưởng là việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử. Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Hiện nay, trong thẻ căn cước công dân đang dần tích hợp một số thông tin và khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như Đề án 06, người dân chỉ cần mang căn cước công dân gắn chíp điện tử, mã số định danh khi thực hiện các thủ tục, giao dịch, bởi trong đó đã tích hợp nhiều loại thông tin giấy tờ, như: Giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện, thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thẻ tín dụng… Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng sẽ tra cứu được đầy đủ các thông tin. Công dân không cần phải công chứng, xác nhận và đến nhiều nơi để làm thủ tục như trước kia, hay xuất trình nhiều loại giấy tờ. 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin được tích hợp không chỉ phục vụ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp mà còn tạo sự minh bạch, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng…

Là địa phương được Trung ương chọn làm điểm thực hiện Đề án 06, tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc tích cực, quyết liệt và đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 8-2022, tỉnh đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu; cấp 985.678 căn cước công dân gắn chíp điện tử (đạt 94,85%) và cấp gần 59.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đủ điều kiện đáp ứng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn tỉnh đang tích cực phấn đấu đến ngày 30/10/2022 sẽ hoàn thành và sử dụng kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh...