Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”:
Kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Theo QĐND 07:48, 17/12/2022

Tháng 12 này có một ngày đặc biệt: Ngày Nhân quyền Quốc tế (10-12) - là dịp để Liên hợp quốc (LHQ) và các quốc gia thành viên tôn vinh những giá trị cao cả cùng những thành tựu đạt được trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Với Việt Nam, những thành tựu ấy được minh chứng qua việc không ngừng chăm lo đời sống, bảo vệ các quyền hợp pháp của người dân, đồng thời tích cực đóng góp cho nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa: thanhnien.vn 
Ảnh minh họa: thanhnien.vn 

Vai trò, uy tín không thể phủ nhận

Trước hết vẫn phải nhắc lại rằng, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".

Với quan điểm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, những năm qua, Việt Nam đã cam kết và nỗ lực đóng góp cho lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở khu vực cũng như thế giới. Điều này trước hết được thể hiện qua việc Việt Nam đã tham gia hầu hết công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và ưu tiên thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của mình theo những công ước này. Sau khi trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, tháng 10 vừa qua, Việt Nam tiếp tục trúng cử và trở thành một trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Uy tín quốc tế ngày càng cao cũng tạo điều kiện để Việt Nam tham gia đóng góp tích cực hơn vào việc định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người. Điển hình như tháng 7/2022, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết do Việt Nam tham gia xây dựng về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng tham gia vào những nỗ lực thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân khu vực, đặc biệt là quyền của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trước đó, Việt Nam cùng với Philippines và Bangladesh trực tiếp tham gia soạn thảo một nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người. Nghị quyết này đã được LHQ chính thức thông qua vào tháng 7/2019.

Hay như trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của đại dịch COVID-19, từ sáng kiến của Việt Nam, Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) đã được thành lập vào năm 2020 nhằm huy động sức người, sức của của cả khu vực để ứng phó với đại dịch. Không chỉ trực tiếp đóng góp vào Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Việt Nam còn tích cực vận động các đối tác và các nước ủng hộ về tài chính cho những sáng kiến ứng phó với đại dịch của khu vực. Từ đó, người dân Việt Nam và ASEAN đã trụ vững trước sức công phá của đại dịch toàn cầu.

Nhân quyền cũng không phải vấn đề Việt Nam muốn giấu giếm như các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thường rêu rao. Bằng chứng là những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên duy trì các cuộc đối thoại, trao đổi thẳng thắn, cởi mở với một số nước và tổ chức về vấn đề nhân quyền, trong đó phải kể đến Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Australia.

Những nỗ lực và thành quả ấy đã được bạn bè và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong bài viết với tiêu đề “Nhân phẩm, tự do và công lý cho tất cả” viết nhân dịp Ngày Nhân quyền Quốc tế năm nay, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhận định: “Trong số những cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người”.

Đến đây cần đặt ra câu hỏi: Nếu không có thành quả “mắt thấy tai nghe” ở trong nước, hoặc nếu không chứng tỏ những đóng góp tích cực cả về lời nói và hành động trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới thì làm sao Việt Nam có thể nhận được sự ủng hộ và tỷ lệ phiếu đồng ‎thuận rất cao trong những lần ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ?

Dù ai nói ngả nói nghiêng...

Xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền”, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là chiêu bài cố hữu của các thế lực phản động. Thế nên, khi những thành tựu về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận thì các đối tượng này càng tỏ ra bất mãn và chống phá mạnh hơn, hệt như “những kẻ say đòn”.

Chẳng cần lấy ví dụ đâu xa, trong thời điểm Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực phản động, các cá nhân, tổ chức bất đồng chính kiến đã gia tăng tần suất chống phá Việt Nam trong vấn đề dân chủ nhân quyền bằng những giọng điệu đại loại như: Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, Việt Nam không đủ tư cách trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền. “Công cuộc chống phá” ấy gần đây vẫn dựa trên những chiêu trò cũ nhằm lôi kéo thêm nhiều đối tượng cực đoan, đồng thời cổ xúy cho các hành vi bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chẳng hạn như tháng 11 vừa qua, tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”(VHRN) đã công bố kết quả bầu chọn “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2022”, trong đó, những cái tên đoạt giải đều là các đối tượng cộm cán trong hoạt động chống phá Nhà nước ta và đã bị pháp luật xử lý.

Nhưng, kẻ tiểu nhân cứ mặc sức nói, người quân tử cứ chuyên tâm làm. Chúng ta vẫn tiếp tục bước trên lối đi chung, cùng nhân loại bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Thuận lợi ở chỗ, với việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc thúc đẩy những sáng kiến, giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.

Dĩ nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn để lại di chứng trong từng hơi thở và hoạt động hằng ngày của con người, những biến động trên thế giới khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, thiên tai, biến đổi khí hậu luôn rình rập, cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác vẫn chưa hết bấp bênh. Thực tế đó là lời nhắc nhở rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba và thậm chí hơn thế để bảo vệ những quyền cơ bản của con người, trong đó phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, cộng đồng dân tộc thiểu số và sinh sống ở vùng sâu, vùng xa... là những đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, những thành tựu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam vẫn hiện hữu trong mọi mặt đời sống; kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người vẫn luôn là lựa chọn và hướng đi đúng đắn của Việt Nam.


Từ khóa:

quyền con người

Việt Nam