Cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện, phân tích trên cả góc độ quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; lắng nghe lẫn nhau vì mục tiêu chung, tránh gây ra xáo trộn không cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến về một số nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) |
Cho ý kiến đối với nội dung quyền sở hữu nhà chung cư, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng, hệ trọng và nhạy cảm, được nhân dân, cử tri, các giới, các cấp, các ngành rất quan tâm và cũng đang có ý kiến rất khác nhau.
Vấn đề lớn, cân nhắc rất thận trọng
Nhiều ý kiến cho rằng quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn như phương án Chính phủ trình nhằm mục đích hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân và lợi ích công cộng, không nhằm mục đích nào khác.
Tuy nhiên phải cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng, rất thận trọng trên cơ sở chính trị vững chắc, các căn cứ của Hiến pháp và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự xác lập về quyền sở hữu và trên cơ sở đánh giá vướng mắc trong thực tiễn hiện nay trong thi hành Luật Đất đai, theo tinh thần phải định dạng được vướng mắc gì và vướng mắc đó thì sửa ở đâu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đặt vấn đề vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư có phải do quy định sở hữu hay không, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu “bắt cho đúng bệnh để có đối sách phù hợp”.
Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phải lắng nghe nhau, lắng nghe kỹ lưỡng hơn, có trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu để xem xét, cho ý kiến vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay rất đông các ý kiến từ đa số trong thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ý kiến phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ băn khoăn và không tán thành quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn.
Quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn còn tồn tại và được quy định bằng một luật nào đó, như Luật Nhà ở, chứ không phải quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư phải phá dỡ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Chủ tịch Quốc hội làm rõ lập luận của nhóm ý kiến này như sau: Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì quyền sở hữu đối với tài sản thì đã Nhà nước bảo vệ và bảo đảm.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều Điều 214 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền của chủ sở hữu căn hộ chung cư thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều này được lập luận là quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn còn tồn tại và được quy định bằng một luật nào đó, như Luật Nhà ở, chứ không phải quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư phải phá dỡ, như cách quy định tại khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật này.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh) |
2 phạm trù không đồng nhất
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, theo các chuyên gia pháp luật, quyền sử dụng chỉ là một cấu phần của quyền sở hữu. Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đã có quy định chi tiết về thời hạn sử dụng của công trình xây dựng nói chung, trong đó bao gồm công trình nhà chung cư và các trường hợp cụ thể đối với việc phá dỡ.
Thời hạn sử dụng nhà chung cư hay được gọi là "tuổi thọ" của nhà chung cư là một khái niệm về kỹ thuật xây dựng. Nếu quy định như tại Điều 25 dự thảo Luật vô hình chung đã tạo nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Thời hạn sử dụng nhà chung cư hay được gọi là "tuổi thọ" của nhà chung cư là một khái niệm về kỹ thuật xây dựng. Nếu quy định như tại Điều 25 dự thảo Luật vô hình chung đã tạo nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật là can thiệp đến quyền sở hữu và nhất là tác động rất lớn đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và tác động đến cả thị trường bất động sản nói chung hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích trên cả góc độ quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, luật này cần tập trung vào việc quy định chặt chẽ và cụ thể hơn nữa về thời hạn sử dụng nhà chung cư và việc tiêu hủy, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư trên cơ sở đánh giá những vướng mắc trong thực tế, có phân chia các trường hợp khác nhau và luật hóa những nội dung đã được tháo gỡ theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ cơ bản tán thành phương án của Chính phủ trình về nhà ở xã hội; đồng thời đề nghị lưu ý nguyên tắc thay đổi phương thức thực hiện.
Theo đó, dự thảo Luật nên giữ như quy định hiện nay nhưng chuyển tải theo một phương thức khác, vẫn đạt được mục tiêu nhưng thực hiện thuận lợi hơn, đồng bộ hơn, khang trang, hiện đại hơn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và sự phù hợp của luật này với các quy định của pháp luật có liên quan và Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi mua nhà, sở hữu nhà.
Theo hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình, dự thảo Luật gồm có 13 chương với 196 điều. So với luật hiện hành năm 2014, dự thảo Luật sửa đổi đã tăng thêm 13 điều nhưng trong đó bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành, giữ nguyên 47 điều, sửa đổi, bổ sung 104 điều, thêm mới 34 điều, trong đó, luật hóa từ nghị định 11 điều.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin