Thực hiện Đề án 06: Tạo đà tăng tốc

Hoàng Hải 07:30, 20/03/2023

Được Trung ương chọn làm điểm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), đến nay, Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việc số hóa các dữ liệu từng bước được tỉnh thực hiện đồng bộ, tiến đến xây dựng môi trường xã hội số.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06.

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo

Ngay sau khi có Đề án 06, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 18/2/2022 về triển khai thực hiện. Đồng thời, kiện toàn Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh với 25 thành viên (do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng) và ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác.

Tổ công tác thực hiện Đề án 06 cũng khẩn trương được thành lập tại 9/9 đơn vị cấp huyện, 178/178 đơn vị cấp xã và 2.245/2.245 tổ công tác được hình thành tại các tổ dân phố, thôn, xóm. Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án. Cùng với nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Đề án 06 tại các ngành, địa phương, đồng thời nắm bắt, xử lý những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai thí điểm việc số hóa, nhập dữ liệu thông tin hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tại các phường Gia Sàng, Quang Trung (TP. Thái Nguyên) và các xã Thành Công, Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). Từ thành công của việc triển khai thí điểm, tỉnh đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh, các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã triển khai số hóa, đối sánh, làm sạch dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu dân cư. Tính từ ngày 23/7/2022 đến 13/9/2022, kết quả thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ 100% (trên 1,1 triệu người), vượt chỉ tiêu và yêu cầu trước 47 ngày (hoàn thành trước so với mục tiêu ban đầu 90 ngày)...

Những con số "biết nói"

Sau 1 năm triển khai quyết liệt, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng “Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính”; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả trên Hệ thống một cửa điện tử, phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Thái Nguyên đã cấp 7.634 chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Trong đó, 100% cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết TTHC được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số.

Công an xã Bình Thành (Định Hóa) thực hiện các bước lấy thông tin làm căn cước công dân gắn chíp cho người dân.

Đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện được 23/25 dịch vụ công thiết yếu, trên 1.230 TTHC tại 3 cấp được thực hiện ở mức độ 4. Toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 217.000 hồ sơ và giải quyết, trả kết quả đúng quy định trên cổng dịch vụ công.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực: hộ tịch, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, an sinh xã hội… được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh đã đã cấp trên 1,037 triệu căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho người dân, đạt tỷ lệ 99%; thu nhận 240.466 hồ sơ định danh điện tử. Số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực trong khám, chữa bệnh đạt trên 88%…

Trong lĩnh vực giáo dục, đến nay, tỷ lệ phụ huynh học sinh có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 91% (256.000 người) để thực hiện thanh toán các khoản đóng góp đối với nhà trường và con số này đang tăng lên từng ngày. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện số hóa trên 130.000 hồ sơ người có công với cách mạng; thực hiện rà soát cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo với trên 120.000 dữ liệu và hơn 39.200 dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội…

Đến nay, cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đủ điều kiện đáp ứng kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhanh hơn và xa hơn

Có thể khẳng định, sau 1 năm thực hiện Đề án 06, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hành trình bước vào “kỷ nguyên số”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các đơn vị, địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều nơi còn thiếu trang thiết bị (máy tính, máy in, máy scan...) chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Thêm nữa, hiện nay, còn khá nhiều người dân không sử dụng sim điện thoại chính chủ và điện thoại thông minh, nên không thực hiện được việc đăng ký tài khoản dịch vụ công, điều đó gây ra trở ngại trong việc công dân tiếp cận dịch vụ công. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm chuyên ngành của một số bộ, ngành chưa kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phần nào gây khó khăn trong quá trình vận hành…

Những khó khăn, hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu và giải pháp tháo gỡ của tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, các ngành, địa phương cần khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 06, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong đó, cần chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án 06…