Trước thực trạng thời gian qua, số vụ xâm hại trẻ em cũng như số trẻ em bị tai nạn, thương tích vẫn còn nhiều, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên cả nước.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia phiên thảo luận tại Hội trường ngày 31-5. Ảnh: T.Q |
Cần giải pháp căn cơ kéo giảm vấn nạn trẻ em bị xâm hại, tai nạn, thương tích
Trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 31/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long bày tỏ mối quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, phát biểu. |
Theo đại biểu, mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chương trình, mục tiêu phòng, chống xâm hại, cũng như phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các ngành, địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp phối hợp thực hiện, nhưng có thể nói, thời gian qua số vụ xâm hại trẻ em, số trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn, thương tích vẫn còn nhiều.
Trong đó, đại biểu dẫn thống kê của ngành chức năng cho thấy, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 ở trẻ em nhóm từ 5 đến 14 tuổi. Trung bình mỗi ngày có từ 6 đến 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.
“Chỉ với một vài từ khóa liên quan đến đuối nước tìm kiếm từ công cụ Google đã có thể đưa ra hàng ngàn, hàng triệu kết quả liên quan đến các vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Có những lý do gây ra đuối nước khiến cho không ít người phải bất ngờ. Có những sự thật về đuối nước không phải ai cũng biết, bởi chỉ một phút lơ là có thể để lại nỗi đau thương tâm không gì bù đắp được”, đại biểu nêu thực trạng.
"Có những lý do gây ra đuối nước khiến cho không ít người phải bất ngờ. Có những sự thật về đuối nước không phải ai cũng biết, bởi chỉ một phút lơ là có thể để lại nỗi đau thương tâm không gì bù đắp được" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long)
Đồng tình với đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong các báo cáo định kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho biết Chính phủ đã xác định rõ điểm nghẽn này trong công tác bảo vệ trẻ em, song chưa nêu lên nguyên nhân chính của thực trạng trên và chưa có giải pháp căn cơ để kéo giảm vấn nạn này.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xem xét, đánh giá đúng thực trạng triển khai thực thi chính sách pháp luật, cũng như kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan trong công tác phối hợp chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực và huy động được sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước ở trẻ em để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ em trên khắp mọi miền đất nước.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, phát biểu. |
Cùng chung mối lo ngại, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề cập thực trạng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng. Số liệu qua báo cáo của các ngành đã cho thấy số lượng các vụ ngày càng tăng và đặc biệt là năm 2023 tăng so với năm 2022.
Từ đó, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành phải có chính sách tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, trong tháng hành động vì trẻ em hằng năm và năm 2023, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức rộng khắp, tích cực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn thực trạng này.
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh
Trao đổi thêm về vấn nạn bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến nền giáo dục trong đó học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, phát biểu. |
Thế nhưng hiện nay, bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại, theo đại biểu, những việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua phần nào đã nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.
“Tôi không xem những trường hợp này là riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề ngành giáo dục và toàn xã hội phải cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường, cần phải thấy những sự việc vừa qua có trách nhiệm không nhỏ của xã hội bởi những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục.
"Những sự việc vừa qua có trách nhiệm không nhỏ của xã hội bởi những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long)
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm thông qua các hoạt động diễn ra trong nhà trường, từ các bài học chính khóa đến các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Từ nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất một số giải pháp, trong đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, năng lực tổ chức nhà trường.
Các trường sư phạm cần tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên, nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được những cảm xúc của học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em trong hằng ngày và hằng giờ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là các hoạt động đối thoại để học sinh lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm.
Theo đại biểu, đây là hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường đang xây dựng.
Thêm vào đó, cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. “Có lẽ trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình lâu nay chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo niềm tin. Chính điều đó đã hình thành những phản ứng ngầm thay vì cùng hướng đến các giá trị chung mà trong đó con em phụ huynh được thừa hưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.
Đại biểu của tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Do đó, những quyết định chưa thỏa đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi, văn hóa học đường sẽ thay đổi.
Về hỗ trợ trẻ em trong ngành giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay đối với trẻ mẫu giáo 3 đến 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Nghị định số 10 năm 2020 của Chính phủ và được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở các xã này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm công tác, tham gia sản xuất, ổn định đời sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin