Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, sáng 7-11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) tham gia chất vấn. (Ảnh: Quang Khánh, Báo Đại biểu nhân dân) |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến Nghị quyết số 82/2019 và Nghị quyết số 134/2020 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề cập đến những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất ở các công ty nông, lâm nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, những vấn đề này đã tồn tại và được chỉ ra từ rất lâu, như trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội và Kết luận 82 của Bộ Chính trị ban hành gần đây. Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn rất chậm được giải quyết, đặc biệt là công tác đo đạc những phần đất giao cho địa phương quản lý; xử lý tình trạng chồng lấn 3 loại rừng; phương án sử dụng đất sau khi rà soát của các công ty nông, lâm nghiệp...
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân căn cốt của những vấn đề này và Bộ sẽ có những kiến nghị, giải pháp gì, đặc biệt là đối với cả Chính phủ và Quốc hội để có thể giải quyết được vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 nghị định, các bộ liên quan ban hành 6 thông tư để hướng dẫn kiện toàn, sắp xếp tổ chức, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp đang nắm giữ; 28/52 tỉnh có đất nông, lâm trường quốc doanh đã xây dựng, phê duyệt đề án, trong đó có 14 tỉnh đã triển khai.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thừa nhận, việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp, tiến độ thực hiện rà soát ranh giới diện tích đang sử dụng cũng chậm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu kinh phí, một số địa phương thực hiện chậm. Và trong thực tế, việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp sản xuất nông nghiệp nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như: Quy mô đất đai được giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng rất lớn nhưng nhân lực quản lý còn mỏng, công cụ quản lý và cách thức quản trị thô sơ, theo mô hình cũ; quy định của pháp luật về quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn mâu thuẫn và chồng chéo...
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ra một số giải pháp, như: Về hoàn thiện thể chế, đã bổ sung Điều 181 vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công trong lĩnh vực này; các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường; rà soát và xây dựng hồ sơ về đất đai để xử lý theo quy định của pháp luật...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin