Với mong muốn, ngôi nhà sàn đồng chí Tôn Đức Thắng, nguyên Chủ tịch nước đã từng ở và làm việc luôn trường tồn với thời gian, là nơi lưu giữ kỷ niệm, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, gia đình ông Đào Văn Hiến, ở xóm Thành Long, xã Phúc Lương (Đại Từ) đã hiến tặng ngôi nhà sàn cho Nhà nước để tôn tạo, bảo tồn.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Đào Văn Hiến nhìn từ bên ngoài. |
Thăm ngôi nhà sàn Bác Tôn từng ở, làm việc
Trong tiết trời se se lạnh một ngày cuối năm, chúng tôi đến xóm Thành Long, xã Phúc Lương - nơi có ngôi nhà sàn đồng chí Tôn Đức Thắng từng ở và làm việc (trước đây thuộc xóm Cây Ngái, xã Phúc Lương).
Quan sát từ bên ngoài, ngôi nhà được làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ, vách che bằng phên nứa… thật bình dị. Ngôi nhà sàn được chia thành 2 gian. Gian ngoài là nơi làm việc và tiếp khách, gian trong chia làm 2 buồng nhỏ, là nơi nghỉ ngơi của gia đình.
Đưa chúng tôi tham quan nơi đồng chí Tôn Đức Thắng từng có thời gian nghỉ ngơi và làm việc tại gia đình, ông Hiến giới thiệu: Đây là gian buồng rộng chừng 20m2. Bên trong có kê một chiếc giường gỗ, có thể gấp lại được, rất tiện sử dụng trong lúc cần di chuyển cơ động. Khi làm việc, đồng chí Tôn Đức Thắng còn sử dụng một chiếc đèn dầu. Sau này, khi không còn làm việc tại đây nữa, đồng chí đã tặng lại chiếc đèn dầu và chiếc giường cho gia đình làm kỷ niệm. Bảo tàng tỉnh đến nhà tôi sưu tầm chiếc đèn dầu và chiếc giường của đồng chí Tôn Đức Thắng đã dùng trong những năm kháng chiến để gìn giữ, bảo quản, trưng bày, phục vụ công tác bảo tồn giá trị di sản văn hoá.
Năm 1979, gia đình tôi đã sửa lại ngôi nhà sàn nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phần khung và kết cấu của ngôi nhà, đặc biệt là gian buồng, nơi đồng chí Tôn Đức Thắng đã từng ở và làm việc năm 1948. Chúng tôi luôn coi ngôi nhà sàn như “báu vật” của gia đình - ông Hiến chia sẻ.
Một gian buồng trong ngôi nhà sàn - nơi đồng chí Tôn Đức Thắng từng ở, làm việc. |
Gìn giữ cho muôn đời sau
Theo sử sách ghi lại, vào khoảng tháng 9, tháng 10 (Âm lịch) năm 1948, tại ngôi nhà sàn của gia đình ông Đào Văn Cống (sinh năm 1935), dân tộc Tày, thuộc xóm Làng Ban, xã Thượng Lương, tổng Thượng Lương (nay là xóm Thành Long, xã Phúc Lương) vinh dự được đón tiếp đồng chí Tôn Đức Thắng (khi đó là Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, sau này là Chủ tịch nước giai đoạn 1976-1980) về ở và làm việc. Đây là địa điểm khá hẻo lánh của một xã miền núi, có vị trí cách xa đường cái, dân cư thưa thớt, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
Cũng theo chia sẻ của ông Đào Văn Hiến (con trai ông Đào Văn Cống), do sử dụng đã nhiều năm, đến nay ngôi nhà sàn đã xuống cấp nhiều. Năm 2019, gia đình ông đã xây dựng một ngôi nhà mới bên cạnh ngôi nhà sàn của cha ông để lại.
Ông Hiến chia sẻ: Đây là nơi Bác Tôn Đức Thắng đã từng ở và làm việc, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lịch sử của dân tộc. Tháng 7-2023, gia đình tôi đã hiến ngôi nhà sàn này để các cấp, ngành của tỉnh trùng tu, tôn tạo, lưu giữ, bảo tồn và không yêu cầu Nhà nước bồi thường, hỗ trợ về đất hay tài sản gắn liền với đất. Trước đó, vào những năm 1990, đã có người đã hỏi mua ngôi nhà sàn, nhưng gia đình quyết giữ lại, cho dù ngôi nhà được trả giá khá cao vào thời điểm đó.
Gian thờ, tấm hoành phi, đôi câu đối cổ và một số đồ thờ khác có giá trị lịch sử, văn hóa vẫn được gia đình ông Đào Văn Hiến gìn giữ. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đại Từ, cho biết: Tấm gương hiến đất, hiến tài sản của gia đình ông Đào Văn Hiến thể hiện sự đồng tình, ủng hộ với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, là tấm gương sáng cho các gia đình khác noi theo. Chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện có Công văn số 2635/UBND-VHTT ngày 10/11/2023 về việc đề nghị hỗ trợ tu bổ, tôn tạo Di tích “Nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng năm 1948” tại xã Phúc Lương gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có biện pháp tu bổ, tôn tạo trong thời gian tới.
Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Địa điểm này đã ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, trở thành "địa chỉ đỏ" để nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng. Việc gia đình ông Hiến hiến tặng “báu vật” để Nhà nước trùng tu, tôn tạo thể hiện sự tri ân, ghi nhớ công ơn của thế hệ hôm nay đối với bậctiền bối đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Mặt trận, Chính phủ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để bảo toàn lực lượng, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Thái Nguyên đã làm hết sức mình để giúp đỡ, chở che, đùm bọc, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương, trong đó có Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, cơ quan đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp lãnh đạo. Tại Quyết định số 290/QĐ-UBND ngày 7/2/2013 của UBND tỉnh, Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin