Những nhân vật lịch sử trong khởi nghĩa Lam Sơn

TNĐT 09:13, 07/05/2023

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế thất bại (năm 1414), phong trào đấu tranh của nhân dân ta tạm thời lắng xuống. Thời kỳ ổn định của chính quyền đô hộ nhà Minh kéo dài không lâu. Từ năm 1417, phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta trỗi dậy mạnh mẽ và rộng khắp.

Tháng 2 năm Bính Thân (1416), tại Lũng Nhai (Thanh Hóa), Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tổ chức hội thề “nguyện sống chết có nhau” chuẩn bị dấy binh khởi nghĩa. Hội thề tập hợp đầy đủ các tầng lớp trong xã hội, trong đó thành phần xuất thân nông dân chiếm số đông (15 người).

Trong hội thề lịch sử đó có Lưu Nhân Chú, người con ưu tú của Đại Từ (Thái Nguyên). Qua Hội thề Lũng Nhai, những người con yêu nước của dân tộc đã xác định được minh chủ đó là Lê Lợi, vị thủ lĩnh kiệt xuất của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh sau này. Từ những hạt nhân đầu tiên của Hội thề Lũng Nhai, anh hùng hào kiệt khắp nơi quy tụ về Lam Sơn.

Theo các tư liệu điền dã tại xã Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ), sau khi tham gia Hội thề Lũng Nhai, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi cử về quê hương Thuận Thượng (nay thuộc xã Văn Yên) cùng cha là Lưu Trung và em rể là Phạm Cuống chiêu tập trai tráng trong vùng, xây dựng căn cứ, chuẩn bị lương thực và tích cực luyện tập võ nghệ chờ thời cơ nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Văn Yên, Ký Phú còn lưu giữ rất nhiều địa danh và di tích liên quan đến hoạt động buổi đầu của ba cha con, anh em Lưu Trung và nghĩa quân. Đó là các địa danh đồng thời cũng là các di tích như: Núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, núi Cắm Cờ, núi Xem, đầm Tắm Ngựa…

Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống theo Lê Lợi chiến đấu ở vùng núi Chí Linh “Xông pha tên đạn, ra vào trận mạc đem hết sức ra giúp” (theo Đại Việt thông sử)…  

Ngày 3/1/1428, cánh bộ binh cuối cùng của quân Minh do Vương Thông chỉ huy lên đường về nước. Tổng số quân Minh rút về nước ước tính khoảng 8 vạn 6 nghìn tên. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, sau 20 năm rên xiết dưới ách thống trị của ngoại bang, đất nước sạch bóng quân thù. Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc: Đại cáo bình Ngô, ban bố khắp cả nước.

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dân Thái Nguyên, mà đại diện tiêu biểu là ba nhân vật lịch sử Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đã đóng góp rất to lớn. Cả ba người đều được xếp vào hàng công thần khai quốc và được ban quốc tính.