Khơi dậy tình yêu quê hương từ giáo dục địa phương

Hằng Nga 10:59, 14/05/2023

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung GDĐP vào chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục truyền thống quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP của tỉnh được thiết kế theo từng bài học cụ thể, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh (HS) hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Học sinh Trường Tiểu học Mỏ Chè TP. Sông Công rất hào hứng khi tham gia các nội dung thi trong chương trình Hội chợ Xuân với chủ đề “Xuân gắn kết - Tết yêu thương”.
Học sinh Trường Tiểu học Mỏ Chè TP. Sông Công rất hào hứng khi tham gia các nội dung thi trong chương trình Hội chợ Xuân với chủ đề “Xuân gắn kết - Tết yêu thương”.

Để xây dựng nội dung chương trình GDĐP, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chú trọng mục tiêu gắn kiến thức đã học với các vấn đề của tỉnh và cộng đồng nơi HS sinh sống. Trên cơ sở đó, chương trình GDĐP giúp HS nâng cao hiểu biết về văn hóa - xã hội, kinh tế, lịch sử, địa lí, môi trường, định hướng hướng nghiệp của địa phương.

Các thành viên của Hội đồng biên soạn Chương trình là chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên phụ trách môn học, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tính đến tháng 1/2023, Sở GDĐT đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định và trình Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu dành cho các lớp 1, 2, 3 (cấp Tiểu học), các lớp 6, 7, 8, 9 (cấp THCS), lớp 10 (cấp THPT); tiếp tục biên soạn tài liệu đối với lớp 4 và lớp 11 theo kế hoạch. Bộ GDĐT đã có quyết định phê duyệt tài liệu GDĐP lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9 và lớp 10.  

Một mục tiêu quan trọng được các thành viên Hội đồng biên soạn Chương trình đặc biệt quan tâm là hình thành, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào, gắn bó với quê hương của HS. Học sinh sẽ được nhận thức về trách nhiệm của bản thân, trang bị khả năng vận dụng kiến thức đã học để góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của địa phương.

Cô giáo Dương Thị Kiều Anh, Trường THPT Đại Từ, giới thiệu đến học sinh những di sản văn hóa trên đia bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cô giáo Dương Thị Kiều Anh, Trường THPT Đại Từ, giới thiệu đến học sinh những di sản văn hóa trên đia bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trực tiếp góp ý xây dựng tài liệu GDĐP lớp 10, lớp 11, cô giáo Dương Thị Kiều Anh, Trường THPT Đại Từ, tâm đắc: Nội dung kết cấu của Chương trình khá đồng bộ, hoàn chỉnh, nêu được các đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa của tỉnh. Các nội dung đưa vào bài giảng có sự chọn lọc, tiêu biểu của địa phương và của cả tỉnh. Chương trình phù hợp giữa tổ chức nội dung học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi; giúp bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và định hướng nghề nghiệp cho HS.

Theo cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè, TP. Sông Công: Đối với lớp 1 và lớp 2, lớp 3, nội dung GDĐP được cụ thể hóa thành các hoạt động trải nghiệm lồng ghép gắn với đặc thù của địa phương, như: Lịch sử ATK Định Hóa; Múa rối cạn của người Tày; Làng nghề mộc mỹ nghệ ở Phú Bình; Lễ hội Xuống đồng; Tham quan cảnh đẹp quê hương... Không dừng lại ở việc giảng dạy, giáo viên của Trường còn kết hợp các giờ ngoại khóa nhằm giúp HS thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà trường luôn quan tâm tới các ngày lễ lớn của dân tộc và tổ chức nhiều hoạt động đan xen như hội chợ, sân khấu hóa… nhằm giáo dục truyền thống cho HS.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 lớp 7A8, Trường THCS Nha Trang TP. Thái Nguyên, được học Chương trình GDĐP. Em Nguyễn Ngọc Hà lớp 7A8 phấn chấn nói: Cả lớp đều rất hào hứng khi đến giờ GDĐP. Cô giáo đã sưu tầm nhiều hình ảnh, vi deo clip để giới thiệu cho chúng em biết về nơi mình đang sinh sống, những địa chỉ giáo dục truyền thống, danh lam thắng cảnh, những nhân vật lịch sử của địa phương. Qua môn học này, em hiểu thêm lịch sử, một số loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu; nét ẩm thực; trang phục các dân tộc; vùng đất Thái Nguyên từ thời nguyên thủy đến nay; các nghề truyền thống; về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai…

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là trong quá trình tổ chức dạy học GDĐP, các nhà trường cần giúp HS được học, quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập. Từ thực tế để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ.