Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023):
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 07:16, 20/11/2023

Hòa chung với khí thế tưng bừng của cả nước chào đón kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), các thầy, cô giáo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên phấn khởi với những kết quả, thành tích đạt được thời gian qua. Những kết quả, thành tích ấy là nền tảng vững chắc để toàn ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.


Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy chứng nhận và khen thưởng các giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2023-2024.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy chứng nhận và khen thưởng các giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2023-2024. Ảnh: T.L
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy chứng nhận và khen thưởng các giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2023-2024. Ảnh: T.L

Trước sự tác động của thời kỳ công nghiệp sang thời kỳ phát triển của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, ngành Giáo dục nước ta hướng vào quá trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Ngành đã đề ra các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu: Phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và của thế giới vào năm 2045, trong đó có đổi mới công tác quản lý giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Để cụ thể hóa mục tiêu này và các chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã tham mưu tích cực xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và bền vững. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Quy hoạch mạng lưới giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối, kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác GD&ĐT tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát việc thực hiện các chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát việc thực hiện các chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L

Công tác xây dựng đội ngũ luôn được chú trọng; chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Tổng số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong toàn tỉnh hiện nay là 25.826 người, đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định, đáp ứng đủ về số lượng, cơ cấu và chuẩn nghề nghiệp. Cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trình độ chiếm 89,47%; cán bộ quản lý và giáo viên đạt trên chuẩn là 31,28%. Tỷ lệ giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ là 95,38%.

Với sự nỗ lực, cố gắng của địa phương và ngành GD&ĐT, cơ sở vật chất trường học được đầu tư và cải thiện rõ rệt. Ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”; thực hiện có hiệu quả việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đạt 90,3%, tăng 18,92% so với năm 2020, vượt 15,3% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Mạng lưới trường lớp ở các cấp học được củng cố, phát triển, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tập. Tính đến tháng 11-2023, toàn tỉnh có 697 cơ sở giáo dục với 686 trường mầm non, phổ thông và 11 trung tâm. Hiện nay, tổng số trường ngoài công lập là 39 trường (tăng 5 trường so với năm 2020), đã có trường được đầu tư hiện đại, chất lượng cao, như Trường Tiểu học - THCS - THPT Iris; có trường ngoài công lập khẳng định được chất lượng giáo dục, như Trường THPT Đào Duy Từ.

Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học từ mầm non đến THPT đạt 90,3% tăng 18,92% so với năm 2020, vượt 15,3% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đạt 90,3%, tăng 18,92% so với năm 2020, vượt 15,3% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Trong ảnh: Trường THPT Phổ Yên có khuôn viên xanh - sạch - đẹp, cơ sở vật chất đảm bảo, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của các em học sinh.

Các chỉ tiêu về phát triển quy mô, số lượng học sinh ở các cấp học đều đạt và vượt chỉ tiêu theo lộ trình của giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, tổng số học sinh trong toàn tỉnh là 342.525 em, tăng 21.554 em so với năm 2020.

Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia chiếm 88,34%, cao hơn 3,86% so với năm 2020. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,89%, tốt nghiệp THPT đạt 98,43%...

Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2022-2023, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 15 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; có 53 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 28 giải Khuyến khích. Tại vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V năm 2023, dự án “Sản phẩm trà túi lọc HIB TEA hỗ trợ hạ huyết áp” của các em học sinh Trường THPT Chuyên đã xuất sắc giành giải Nhì và được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT...

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra đến năm 2025, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trong giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; gắn các cuộc vận động và phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo với việc dạy học, nhằm nâng cao chất lương giáo dục toàn diện...