Cấp thiết phải phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Nguyễn San 07:55, 19/03/2023

Trong chuyển đổi số không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ số (DNCNS). Chính họ đã góp phần hiện thực hóa cơ hội đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030 cả nước phát triển đạt ngưỡng 100.000 DNCNS, thời gian qua, một số địa phương đã rất tích cực thúc đẩy gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động các DNCNS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu kế hoạch phát triển dài hạn.

Kết thúc năm 2022, Việt Nam đã cán mốc 70.000 DNCNS đăng ký thành lập và hoạt động, hoàn thành mục tiêu về đích trước 3 năm (theo kế hoạch đến năm 2025 mới đạt) với tổng doanh thu đạt 148 tỷ USD. So với năm trước, số lượng DNCNS năm 2022 tăng trên 6.000, trong đó trên 1.400 doanh nghiệp có sản phẩm xuất sang nước ngoài.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã mạnh dạn đi theo hướng công nghệ số. Đây được xem là bước khởi đầu tốt để có thể đưa các sản phẩm công nghệ, các giải pháp phần mềm “made in Viet Nam” chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến dần ra thế giới.

Tuy vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển DNCNS đã đề ra, chính quyền các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức về phát triển DNCNS, ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ là đầu mối để rà soát, tổng hợp thông tin về các doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của địa phương gửi về Bộ chủ quản để công bố, phục vụ việc xây dựng chính sách ưu tiên thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp chủ động cập nhật trực tiếp thông tin về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trên Cổng thông tin công nghiệp ICT tại địa chỉ http://makeinvietnam.mic.gov.vn.

Ngoài ra cần thực hiện tốt các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung xây dựng chính sách tạo lập thị trường cho các DNCNS bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh… Đơn giản hoá các thủ tục quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tăng cường đầu tư cho ứng dụng, đổi mới công nghệ. Có chính sách hỗ trợ DNCNS phát triển sản phẩm số tiêu biểu, phát triển nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số…

Thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai Kế hoạch phát triển DNCNS giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển DNCNS; phát triển hạ tầng số; sản phẩm dịch vụ, công nghệ số, nhân lực số; thị trường cho sản phẩm công nghệ số và nâng cao nhận thức về phát triển DNCNS…

Được biết, hiện nay toàn tỉnh có trên 320 DNCNS được thành lập với tổng doanh thu năm 2022 đạt gần 26 tỷ USD. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất phần cứng điện tử, lắp ráp điện tử, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, thực hiện dịch vụ công nghệ thông tin…

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 chính thức đưa vào hoạt động hiệu quả Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, thu hút các DNCNS hàng đầu trong và ngoài nước đến đầu tư. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu có trên 700 DNCNS được thành lập và hoạt động, có từ 1 đến 3 DNCNS có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường và kinh tế số chiếm trên 20% GRDP của tỉnh.