Công nghiệp khai khoáng: Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn

10:21, 11/05/2009

Suy giảm kinh tế đang trực tiếp tác động xấu tới các ngành công nghiệp nói chung, trong đó khai khoáng và luyện kim là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Với Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp từng là đầu tầu trong lĩnh vực trên cũng đang phải gồng mình chống đỡ vì giá nguyên liệu tụt giảm, nguồn tài chính thiếu hụt trầm trọng...

Mấy năm trước đây, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Số lượng các doanh nghiệp lập phương án đầu tư xin cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản tăng theo từng năm. Không ít doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền luyện kim lên tới cả trăm tỷ đồng với hy vọng đi trước đón đầu, thúc đẩy nền công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay, khi nền kinh tế thế giới đi từ khủng hoảng đến suy giảm trầm trọng thì bầu không khí ảm đạm đã bao trùm lên toàn bộ hoạt động khai khoáng của tỉnh. Giá bán các loại khoáng sản trên thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc (thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp khai khoáng trong tỉnh) tụt giảm chóng mặt. So với đầu năm 2008, giá trung bình các loại quặng thời điểm này đã giảm khoảng một nửa và dự kiến sẽ còn tụt nữa.

 

Từ cuối năm 2007, khi có chủ trương sẽ cấm xuất khẩu quặng titan (bắt đầu từ tháng 1/2009), một số doanh nghiệp trên địa bàn đã đi trước một bước, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến titan, nhằm tạo sự đột phá trong cạnh tranh. Tuy nhiên, khi nhà máy đang trong quá trình xây dựng, lắp đặt thì sự suy giảm kinh tế đã khiến các doanh nghiệp này gặp trở ngại lớn về tài chính. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp khai khoáng trong cả nước. Bởi vậy, để gỡ bí cho các doanh nghiệp nghiệp, giữa tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho phép tiếp tục xuất khẩu quặng titan đến hết năm 2010. Đây là giải pháp tức thời giúp doanh nghiệp chế biến titan của tỉnh tháo gỡ khó khăn về tài chính (vì mỗi doanh nghiệp đều được cấp mỏ khai thác), tiếp tục đầu tư chế biến sâu.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các doanh nghiệp này đều cho rằng, phương án trên chưa thực sự tạo ra chuyển biến, ít nhất là trong thời điểm này. Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên thì do giá quặng titan trên thị trường quá thấp, hơn nữa phí môi trường và thuế suất quá cao nên năm nay doanh nghiệp không có kế hoạch xuất khẩu loại quặng này. Nếu xuất sẽ bị lỗ nặng. Hiện nay, đơn vị đang tập trung quy hoạch, xây dựng lại mỏ titan tại khu vực Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương), chờ thời điểm thích hợp mới tính đến chuyện xuất khẩu hoặc đầu tư nhà máy chế biến sâu.

 

Được biết, đầu năm nay do gặp quá nhiều khó khăn, Công ty liên doanh kim loại mầu Việt Bắc (KCN Điềm Thuỵ-Phú Bình) đã có kiến nghị trình Bộ Công Thương cho phép Công ty xuất khẩu 30 nghìn tấn tinh quặng chì, kẽm sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty này được phép xuất khẩu thì giá quặng đã giảm từ 4.600 USD/tấn xuống còn hơn 2.000 USD/tấn và đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng trên 1.000 USD/tấn. Còn Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đang xây dựng và hoàn thành trên 80% khối lượng công trình Nhà máy chế biến xỉ titan tại Động Đạt (Phú Lương) cũng trong tình cảnh khó khăn về tài chính. Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty cho biết: Bằng mọi giá doanh nghiệp sẽ hoàn thành xây dựng Nhà máy trong năm nay. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là sau khi doanh nghiệp dồn sức đầu tư dây chuyền chế biến, tới đây vấn đề nguyên liệu phục vụ có đảm bảo? Bởi hiện tại trữ lượng mỏ được cấp của doanh nghiệp còn quá ít.

 

Một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang để tồn kho một lượng lớn sản phẩm. Điều đó đặt doanh nghiệp vào tình thế "khóc dở, mếu dở" hoặc đứng bên bờ vực phá sản. Thời gian qua, các gói kích cầu của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4%/năm lại không áp dụng đối với các hoạt động khai khoáng nên hầu hết các doanh nghiệp này đều tự bươn trải tìm giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Điều mà các chủ doanh nghiệp khai khoáng đang phải đau đầu nhất chính là huy động tài chính để tiếp tục duy trì và vận hành bộ máy, tránh phải sa thải công nhân. Hầu hết các doanh nghiệp này đều "quá tải" vay vốn ngân hàng, bởi ít nhất mỗi doanh nghiệp đều có quan hệ với 3-5 ngân hàng trên địa bàn.

 

Mặc dù, thời gian qua, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần đã tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp khai khoáng vay vốn (tất nhiên là trong khuôn khổ những quy định chung của toàn ngành), nhưng nhu cầu của doanh nghiệp quá cao, nên cơ bản lượng vốn  chưa đáp ứng đủ. Bởi vậy, các doanh nghiệp đều có kiến nghị chung là được vay vốn ưu đãi; giảm thuế suất xuất khẩu; giảm phí môi trường, tài nguyên… để giải quyết những khó khăn trước mắt. Các doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh có những kiến nghị với Chính phủ và tác động cần thiết với các bộ, ngành Trung ương để có những giải pháp ưu đãi đặc biệt cho các hoạt động khai khoáng (có thể là khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp), bởi đây là ngành công nghiệp chịu tác động mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặt khác, tự thân các doanh nghiệp cũng đang có những cách xử lý linh hoạt cho riêng mình như: huy động nguồn lực bên ngoài hoặc tạm thời chuyển hướng đầu tư, giảm lương, giảm nhân công dư thừa, tiết kiệm sản xuất, chi tiêu…