Góp phần tạo sinh kế cho hộ nghèo

Lương Hạnh 08:08, 14/11/2022

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, việc lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của từng địa phương đã góp phần tạo sinh kế cho người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cấp gà giống và cám cho các hộ nghèo ở xã Liên Minh (Võ Nhai).
Các hộ nghèo ở xã Liên Minh (Võ Nhai) được Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cấp gà giống và cám.

Liên Minh là xã vùng cao của huyện Võ Nhai, có 58% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, năm 2022, Chi cục Phát triển nông thôn đã lồng ghép các nguồn vốn, triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã.

Cụ thể, Chi cục đã triển khai hỗ trợ 3.000 con gà giống cho 30 hộ nghèo thuộc 7 xóm của xã Liên Minh. Mỗi hộ dân được nhận 100 con gà giống ri lai Hòa Bình và 100% thức ăn công nghiệp, vật tư, thuốc thú y trong thời gian 3 tháng. Thông qua mô hình đã tạo thêm việc làm và đa dạng hóa sinh kế, giúp các hộ từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần cùng xã Liên Minh phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Tương tự, xã Linh Thông (Định Hóa) cũng là địa phương có tới 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 31,19%, hộ cận nghèo là 29,17%, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn đã triển khai hỗ trợ cho 25 hộ dân với tổng số 3.000 con gà mái giống ri lai Hòa Bình, mỗi hộ được hỗ trợ 120 con gà mái sinh sản.

Đối tượng được hỗ trợ là các hộ có trẻ em dưới 5 tuổi; hộ có bà mẹ mang thai; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu lương thực thực phẩm nhưng có điều kiện sản xuất thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực III. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 455 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, nhân dân đối ứng 105 triệu đồng.

Để Dự án triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, UBND xã Linh Thông tiến hành khảo sát lựa chọn hộ; tổ chức tập huấn kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Chi cục tổ chức cung ứng giống gà, thức ăn hỗn hợp, hỗ trợ sát khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin theo đúng định mức kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cán bộ thú y thường xuyên theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chăm sóc đúng quy trình tiêu chuẩn. Do vậy, đàn gà c trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 96%. Qua đánh giá cho thấy, 25 hộ được hưởng lợi từ Dự án rất phấn khởi vì ngoài lúa, chè còn có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà để cải thiện cuộc sống.

Đây chỉ là 2 trong số các mô hình, dự án mà Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chi cục đã tham mưu, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3. Đồng thời, tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho gần 100 cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo.

Ngoài ra, Chi cục cũng được giao thực hiện các tiểu dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, truyền thông, thông tin; phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Chi cục cũng tập trung hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, khuyến khích bà con áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, việc triển khai các mô hình kinh tế giảm nghèo ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đã tạo thêm sinh kế, góp phần giúp bà con ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Từ đó, đóng góp tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, thông qua chương trình giảm nghèo cũng giúp người dân thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.