Phát triển năng lượng theo hướng bền vững

Theo NDĐT 14:57, 09/04/2023

Việt Nam là nước đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng cao và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn... Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách về phát triển năng lượng để hướng đến mục tiêu dài hạn thì cũng rất cần việc bảo đảm chuyển dịch năng lượng công bằng, an ninh năng lượng quốc gia.

Công nhân kiểm tra lưới điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.
Công nhân kiểm tra lưới điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.

Giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước để có bước phát triển nhanh và tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực.

Những kết quả đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn này là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, ngành năng lượng còn một số tồn tại, như: Các nguồn cung năng lượng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; việc nhập khẩu năng lượng trong nước ngày càng lớn; kết cấu hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực của ngành năng lượng chưa được nâng cao.

Trong đó, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010, ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045.

Hướng tới các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Trong đó, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ tuyên bố Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa các-bon (Net-zero) vào năm 2050.

Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch phát triển năng lượng, Giáo sư Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể nói là quốc sách của tất cả các nước trên thế giới.

Các nghiên cứu về sử dụng năng lượng tại Việt Nam cho thấy, trong nhiều ngành sản xuất, sinh hoạt tiềm năng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng còn rất lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, đến năm 2025 tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta có thể đạt 76 tỷ kWh/năm. Nhờ cơ chế mua bán giá điện FIT, điện mặt trời đã phát triển mạnh từ 86MW (năm 2018) lên đến gần 16.500MW (cuối năm 2020); điện gió phát triển từ mức 90MW (năm 2017) lên đến hơn 4.100MW (tháng 11/2021).

Theo Viện trưởng Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) Thạc sĩ Đặng Huy Đông, thời gian qua, ngành điện đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, lưới điện phủ gần 100% các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ một số bất cập trong cơ chế chính sách thu hút đầu tư, giá mua điện cũng như trong điều hành cần nhận diện đầy đủ để chấn chỉnh, tạo tâm thế vững chắc hơn trước những thách thức mới đặt ra.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, Giáo sư Trần Đình Long kiến nghị, Quy hoạch điện VIII cần sớm được phê duyệt, nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ và tài chính. Các yếu tố về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch cũng cần được xem xét trong quy hoạch điện VIII.

Giá điện cần được tính toán đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm khả năng thu hồi vốn cũng như lợi nhuận hợp lý của chủ đầu tư, thực hiện tốt cơ chế cạnh tranh, thu hút vốn từ các nguồn đầu tư ngoài nhà nước.

Theo đó, đến năm 2035, phát thải từ ngành điện đạt đỉnh 239 triệu tấn CO2 đến năm 2050 còn khoảng 30 triệu tấn là phù hợp chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đồng thời, các biện pháp điều hành cần được điều chỉnh phù hợp với biến động về nhu cầu, tiến độ xây dựng nguồn và các công trình điện, giá cả các nguồn năng lượng... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, sớm có quy định rõ ràng về điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn kết nối với lưới điện, phòng chống cháy nổ.

Ông Đặng Huy Đông đề xuất, Việt Nam cần kịp thời ban hành cơ chế chung để thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án nhà máy điện độc lập. Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận khi lựa chọn nhà đầu tư; thay vì đưa ra các tiêu chí đánh giá dựa theo các yếu tố triển khai dự án, tính toán đơn giá định mức... như hiện nay, thì nên chuyển sang lựa chọn theo kết quả đầu ra, đó là đấu giá điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở cùng mặt bằng về các điều kiện, dữ liệu đầu vào và chất lượng nguồn điện.

Ngoài ra, các dự án đầu tư nhà máy điện cần tuân thủ đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và các quy định pháp luật liên quan vấn đề phát triển nguồn năng lượng ở nước ta...