Cách đây gần chục năm, nghề ươm giống cây lâm nghiệp mới nhen nhóm hình thành ở huyện miền núi Định Hóa. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nghề này ngày càng phát triển trên quy mô rộng, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho nhiều hộ gia đình, hợp tác xã (HTX).
Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệm ở thị trấn Chợ Chu. |
Nhờ nghề ươm giống cây lâm nghiệp, gia đình ông Bùi Công Toàn, ở xóm Làng Ngõa, xã Tân Thịnh (Định Hóa) có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Đây là khoản thu gia đình ông chưa bao giờ dám nghĩ tới khi vẫn còn gắn bó với nghề nông.
Trước đó, từ năm 2018, gia đình ông Toàn bắt đầu xây dựng vườn ươm với quy mô nhỏ để tích lũy kinh nghiệm và thăm dò thị trường giống cây lâm nghiệp. Nhận thấy hiệu quả nên chỉ sau một năm, ông đã đầu tư mở rộng diện tích vườn ươm lên 800m², với tổng số lượng ươm gần 20 vạn cây keo giống mỗi vụ.
Ông Toàn chia sẻ: Nghề ươm giống cây cần sự tỉ mỉ, vì việc chăm sóc cây giống phải tuân thủ quy trình mới cho chất lượng cây đều và đảm bảo. Hiện nay, vườn ươm của gia đình tôi chủ yếu phục vụ người dân trong huyện. Tuy nhiên, do nhu cầu giống cây lâm nghiệp ngày càng tăng nên tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn ươm lên khoảng 1.500 -2000m² trong 1-2 năm tới.
Gia đình ông Toàn chỉ là một trong số 23 hộ dân và 1 HTX trên địa bàn huyện Định Hóa đang có thu nhập khá cao từ nghề ươm giống cây lâm nghiệp. Mỗi năm, các vườn ươm trên địa bàn huyện xuất bán ra thị trường trên 8,8 triệu cây giống. Trong đó, nhiều nhất là cây quế với hơn 4,2 triệu cây (chiếm gần 48%), cây keo hơn 3,7 triệu cây (chiếm 42%), còn lại là các giống cây lâm nghiệp khác (như mỡ, lát, lim…). Bên cạnh việc cung cấp đủ 100% giống cây lâm nghiệp phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện, một số vườn ươm còn xuất bán cây giống cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Trần Trọng Bằng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa, cho biết: Nhằm quản lý tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho các vườn ươm trên địa bàn phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp, hàng năm, Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa đều tổ chức kiểm tra các cơ sở để đảm bảo chất lượng cây giống khi đến tay bà con trồng rừng. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn về kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trong vườn ươm…
Cùng với sản xuất giống cây lâm nghiệp, nhiều hộ dân ở Định Hóa hiện đang xây dựng, mở rộng các vườn ươm giống chè, cây ăn quả phục vụ nhu cầu của thị trường. Trong đó, xã Sơn Phú là địa phương có diện tích vườn ươm giống chè lớn nhất huyện, với khoảng 7ha. Mỗi năm, các vườn ươm tại Sơn Phú cung cấp ra thị trường khoảng 3-4 triệu cây giống.
Theo ông Đoàn Văn Xuyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Phú: Khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương đặc biệt phù hợp với cây chè. Thêm nữa, do nhu cầu thị trường nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trong xã đã tận dụng lợi thế để phát triển mạnh các vườn ươm giống. Hiện nay, các vườn ươm chủ yếu tập trung sản xuất một số giống chè chất lượng cao, như: LDP1, TRI777, PH1, PH8, Long Vân, VN20… Bên cạnh việc đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, các vườn ươm cũng đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Từ thực tế có thể thấy, nghề ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa không chỉ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng phục vụ trồng rừng tại địa phương. Theo kế hoạch, thời gian tới, nghề ươm cây giống sẽ tiếp tục được huyện quan tâm, có cơ chế hỗ trợ để các vườn ươm tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng các loại cây giống…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin