Trong suốt nhiều tháng của năm 2023, đa phần các ngân hàng trên địa bàn tỉnh dự đoán khó hoàn thành mục tiêu đề ra là mức tăng trưởng tín dụng đạt 12%. Tuy nhiên, kết thúc năm, tăng trưởng tín dụng lại bật tăng lên mức xấp xỉ 16%. Đáng lưu ý là mức tăng trưởng này gần như chỉ tập trung vào nửa cuối tháng 12, đặc biệt là trong những ngày cuối năm.
Nhiều giải pháp khác nhau đã và đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về tăng trưởng tín dụng. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Thái Nguyên, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 9-2023 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 87.310 tỷ đồng (tăng 4.222 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,37% so với cuối năm 2022). Hai tháng sau đó, con số này là 91.507 tỷ đồng, tăng 10,43% và kết thúc năm đạt tới 96.094 tỷ đồng, tăng 15,97%, cao hơn trung bình cả nước (năm 2023, tăng tưởng tín dụng của cả nước đạt 13,71%).
Như vậy, chỉ trong tháng 12, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng tới 4.587 tỷ đồng, cao hơn mức tăng của 9 tháng đầu năm cộng lại. Cũng chính vì thế, trong khi mức tăng trong 3 quý đầu năm đang được cho là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thì mức tăng trong tháng 12 lại được cho là chưa bao giờ cao đến thế.
Theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh: 2023 là năm có nhiều biến động khó đoán định, ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các NH. Những ảnh hưởng đó chủ yếu đến từ môi trường kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, có nhiều thách thức hơn so với dự báo. Nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ như xung đột tại khu vực Trung Đông; xung đột Nga - Ukraine; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm…
Ở trong nước, do thị trường có độ mở rất lớn với bên ngoài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp… khiến tín dụng tăng trưởng rất chậm trong phần lớn thời gian của năm 2023. Kéo theo đó là chất lượng tín dụng suy giảm, nợ xấu gia tăng; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và vàng tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành và triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nên hệ thống NH duy trì được đà tăng trưởng. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, chia sẻ: Trong khi tính đến cuối tháng 11-2023, dư nợ tín dụng của Chi nhánh chỉ tăng 3,01%, thì đến cuối tháng 12 đã đạt tới 12,2% so với năm 2022. Cụ thể, Chi nhánh đã tăng thêm 1.400 tỷ đồng trong tháng 12.
Ngoài ra, một số NH khác cũng có sự bứt tốc đáng kể để về đích trong tháng cuối cùng của năm. Lý giải về sự tăng trưởng này, đại diện các NH cho rằng có 3 nguyên nhân chính: Đầu tiên là do nền kinh tế có dấu hiệu "ấm" lên, niềm tin của người tiêu dùng, trong đó có thị trường bất động sản được cải thiện. Điều này đã tạo đà cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong thời gian ngắn và trung hạn. Tiếp đến là lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm. Thứ ba là nhu cầu tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết tăng cao.
Với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó gia tăng nhu cầu về vốn. (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia kinh tế, có thêm những nguyên nhân khác “khiến” dư nợ tín dụng tăng mạnh trong tháng 12-2023. Đó là có những NH đã tìm nhiều cách để gia tăng dư nợ cuối năm, nhằm có được con số “đẹp” để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và kéo tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn trên báo cáo tài chính. Đồng thời tạo ra dư địa tăng trưởng tín dụng cho năm 2024. Bởi kết quả tăng trưởng cuối năm sẽ là một trong những căn cứ quan trọng nhằm xác định hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dụng cho năm sau của mỗi NH.
Chính bởi vậy, ở một khía cạnh nào đó, dư nợ tín dụng tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm không phản ánh được hết bức tranh của nền kinh tế, cũng như về nhu cầu tín dụng thật của người dân, doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, cho rằng: Điều quan trọng sống còn đối với mỗi NH là tăng trưởng an toàn, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, chứ không phải là tăng trưởng cao. Việc dư nợ tín dụng tăng cao trong một thời gian ngắn ở một số NH không phải là không có những nỗi lo.
Trước “cú lội ngược dòng” trong tháng 12-2023, một câu hỏi được đặt ra là: Năm 2024, thị trường tín dụng có tiếp tục đà tăng? Theo đại diện phần lớn các NH và doanh nghiệp, câu trả lời là “rất khó đoán định” do nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm nay, việc đạt mức tăng trưởng tín dụng 15% của toàn ngành NH theo mục tiêu đặt ra sẽ là một thách thức.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy đã có những tín hiệu, cơ hội lạc quan để có thể thực hiện được chỉ tiêu này, khi ngay từ những ngày đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ sự quyết liệt hành động để triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ thị trường, phát triển kinh tế. NHNN cũng đã đổi mới cách giao chỉ tiêu. Theo đó, thay vì giao theo từng quý/nửa năm như trước đây thì trong năm 2024, chỉ tiêu tín dụng được giao toàn bộ ngay từ đầu năm để các NH đẩy mạnh cho vay từ sớm.
Cùng với đó, nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi của các NH sẽ tiếp tục được duy trì và ban hành mới, tạo cơ hội cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tạo ra xu hướng tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin