Mỗi công trình thủy lợi đều có chủ thể quản lý, chịu trách nhiệm điều tiết nước kịp thời phục vụ sản xuất và bảo vệ an toàn tài sản khi mưa lũ về. Và hình thức tổ chức quản lý công trình thủy lợi trong cộng đồng đang được phát huy tốt trên địa bàn huyện Phú Lương.
Tổ thủy nông trực tại Trạm bơm Bến Móc, xã Cổ Lũng (Phú Lương). |
Những thông tin dự báo thời tiết về mưa, bão nơi thượng nguồn khiến các thành viên Tổ thủy nông Bến Móc bận rộn chia ca trực đêm để theo dõi lượng nước sông Đu. Nước lũ thượng nguồn đổ về, nếu không xử lý nhanh thì máy bơm bị chìm, thậm chí phá hủy toàn bộ các thiết bị kỹ thuật của trạm.
Ông Lưu Văn Hải, Trạm trưởng Trạm bơm Bến Móc, xã Cổ Lũng, cho biết: Hằng năm, khu dân cư xóm Cổ Lũng, Đồi Chè, Đường Goòng (với trên 40ha đất hưởng thụ nước tưới từ Trạm bơm) tổ chức bầu chọn, cử thành viên đại diện tham gia Tổ thủy nông. Tổ duy trì 7 người và hoạt động trên cơ sở tự nguyện để trực tiếp quản lý, vận hành thiết bị bơm và điều tiết nước phục vụ sản xuất. Chế độ hoạt động là tự hạch toán qua đóng góp của nhân dân để chi trả tiền điện, công trực, sửa chữa nhỏ…
Tổ thủy nông có nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu, thời gian cấp nước và bảo vệ, khơi thông trên 1.500m kênh nội đồng. Thời điểm thiếu nước, cả Tổ phải tìm nguồn nước, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và đặt lịch các điểm ngăn nước, trạm bơm thượng lưu để chia khung thời gian đón nước vận hành bơm phù hợp.
Với hình thức tổ chức này, Tổ thủy nông Cổ Lũng và các thành viên Trạm bơm Bến Móc đã duy trì hoạt động suốt gần chục năm qua, hỗ trợ tích cực cho sản xuất và bảo vệ tài sản công, phát huy tốt hiệu quả các nguồn lực Nhà nước đầu tư.
Thanh viên Tổ thủy nông Cúc Lùng (xã Phú Đô, Phú Lương) đánh giá mực nước hồ. |
Cùng hoạt động dựa trên nguyên tắc hợp tác và do người dân địa phương chọn cử ra đại diện, Tổ thủy nông Cúc Lùng, xã Phú Đô, đã duy trì công việc điều tiết nước cho hơn 30ha đất sản xuất. Ông Bùi Văn Thắng, Tổ trưởng, cho biết: Trước đây, việc điều tiết nước hồ do UBND xã trực tiếp quản lý. Nhưng thực tế nhu cầu sản xuất mỗi nhóm hộ, xứ đồng có khác nhau, nên việc thực hiện giờ cấp nước cũng khác nhau và phải sát với thực tế sản xuất. Chính vì vậy không thể áp dụng theo giờ hành chính làm việc của cơ quan được.
Từ thực tế đó, địa phương đã xây dựng quy chế tự quản và chọn cử đại diện để làm công tác thủy nông thường xuyên hằng năm. Với cách làm này, nhiệm vụ bảo vệ công trình thủy lợi là của toàn dân và Tổ thủy nông làm nhiệm vụ điều hành, lập kế hoạch cấp, xả nước và theo dõi diễn biến nguồn nước phục vụ nông nghiệp.
Đặc biệt, hoạt động của Tổ thủy nông và các hoạt động chuyên môn liên quan đến thủy lợi được cập nhật chi tiết và có liên kết với các địa phương khác khi giao ban hằng quý. Tính chất hợp tác trong sản xuất ngày càng chặt chẽ và tăng tính đồng thuận khi cùng sử dụng nguồn lợi từ thủy nông.
Hiện nay, huyện Phú Lương có 180 công trình thủy lợi, gồm 55 hồ chứa, 39 đập dâng, 34 trạm bơm và 52 công trình thủy lợi khác. Hằng năm, 100% thành viên tổ thủy nông cơ sở đều được tập huấn kiến thức quản lý và kỹ thuật vận hành. Các tổ thủy nông xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, định mức kỹ thuật trên cơ sở dân nuôi và phục vụ kịp thời kế hoạch sản xuất theo thời vụ từng địa phương.
Thực tế hoạt động của các tổ thủy nông đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong sản xuất, mở rộng vùng trồng đồng bộ, hướng đến vùng sản xuất tập trung đang được nhân rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin