Lão nông nghèo hiến đất mở đường

08:21, 24/11/2015

Mặc dù kinh tế còn rất khó khăn, bản thân thường xuyên đau ốm nhưng ông Phạm Xuân Lại, sinh năm 1958, ở xóm Khuổi Lừa, xã Tân Thịnh (Định Hóa) đã cùng gia đình tự nguyện hiến gần 6.700m2 đất để huyện xây dựng tuyến đường Tân Thịnh - Khe Thí.

Ông Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Năm 1963, gia đình ông Phạm Xuân Lại cùng một số hộ khác đã di chuyển từ xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương (Thái Bình) lên xã Tân Thịnh lập nghiệp. Gia đình ông đã khai hoang được trên 3ha đất đồi và vườn tạp, được Nhà nước giao khoán 3 sào ruộng cấy lúa. Tuy có đất để sản xuất nhưng do bị bệnh thần kinh tọa mãn tính, phải thường xuyên đi bệnh viện chữa trị, nên gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Vào thời điểm tháng 8-2014, xã Tân Thịnh đã phát động phong trào vận động các hộ dân hiến đất dọc tuyến đường từ chợ xã Tân Thịnh đi Khe Thí (Bắc Kạn) để có mặt bằng đầu tư xây dựng tuyến đường, gia đình ông Phạm Xuân Lại là một trong những hộ tiên phong tự nguyện hiến gần 6.700m2 đất đồi, vườn tạp và ruộng cấy lúa. Từ việc làm gương mẫu của ông, nhiều hộ dân trong xã cũng đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường. Việc hiến đất làm đường của ông Lại là một nghĩa cử cao đẹp, biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của cộng đồng.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Phạm Xuân Lại sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai), các con của ông cũng đã lập gia đình và ra ở giêng. Hiện tại, hai vợ chồng ông đang sống trong ngôi nhà xây rộng khoảng 30m2, mái lợp proximăng, nền đổ bê tông. Căn bệnh thần kinh tọa mãn tính đã khiến ông không làm được việc nặng nhọc. Mọi việc đồng áng đều do một tay vợ là bà Phạm Thị Liên gánh vác. Đã vậy, mỗi năm, gia đình còn phải tốn một khoản chi phí 6-7 triệu đồng cho việc điều trị bệnh cho ông. Bởi vậy, hoàn cảnh gia đình ông khá khó khăn. Thế nhưng, khi nghe xã thông báo có chủ trương làm đường đi qua đất gia đình mình, ông đã bàn với vợ hiến đất để thi công tuyến đường. Khu đất đồi gia đình hiến đang trồng keo, bạch đàn được khoảng 2-3 năm tuổi và cây chè. Trong đó, riêng diện tích chè đang cho thu hái với mỗi lứa trên 50kg chè búp khô. Ngoài ra, gia đình ông còn hiến gần 2 sào ruộng cấy lúa và một phần vườn tạp.

 

Ông Phạm Xuân Lại chia sẻ: Tuy đoạn đường từ xóm ra đến trung tâm xã chỉ dài khoảng 9km nhưng bà con đi lại phải mất hơn một giờ đồng hồ bởi đường hẹp, gồ ghề và rất lầy lội vào mùa mưa. Vì đường sá đi lại khó khăn mà sản phẩm nông nghiệp làm ra không ai vào thu mua. Các cháu nhỏ đi học cũng rất cực nhọc. Ở trong xóm, đã từng xảy ra trường hợp người bệnh bị thiệt mạng do đường sá khó khăn, đưa đi viện cấp cứu không kịp thời. So với các hộ dân khác trong xóm, diện tích đất mà gia đình tôi đã hiến cũng khá nhiều và thực sự có giá trị rất lớn đối với cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan, nhất là tuổi ngày càng cao và sức khỏe ngày càng yếu đi. Song, tôi thấy xây dựng tuyến đường là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của bà con là có được con đường thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Tôi chỉ có mong muốn huyện chỉ đạo hoàn thành sớm tuyến đường này để nhân dân đi lại đỡ vất vả, nhất là các cháu học sinh không phải chịu cảnh lầy lội và bụi bặm mỗi khi đến trường.

 

Ông Bùi Công Xuyên, Trưởng xóm Khuổi Lừa cho biết: Do bản thân bị đau ốm thường xuyên, chi phí chữa bệnh rất tốn kém nên hộ ông Phạm Xuân Lại vẫn thuộc diện hộ nghèo. Song, bản thân ông và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Khi có phong trào vận động nhân dân có hiến đất dọc tuyến đường từ trung tâm xã đi Khe Thí (Bắc Kạn) để thi công tuyến đường, ông Lại đã hiến gần như toàn bộ khu đồi đang trồng chè và các cây lâm nghiệp khác. Việc làm này rất đáng trân trọng và biểu dương...