Chị Bùi Thị Thanh Hương, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) là giáo viên thứ 9 của đại gia đình ba đời làm nhà giáo mà khởi đầu là thầy giáo Bùi Quang Bảo, sinh năm 1932 và cô Nông Thanh Tuyết, sinh năm 1937, hiện đang cư trú tại tổ dân phố số 36, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên).
Trong căn nhà nhỏ cấp 4 xây dựng theo lối kiến trúc xưa nằm lọt thỏm giữa khu vườn tràn ngập hoa trong ngõ số 4 là nơi hun đúc tình yêu trẻ, yêu nghề của thầy Bảo, cô Tuyết và những người con, cháu. Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng thầy Bảo đi lại nhanh nhẹn, thần trí vẫn còn minh mẫn. Thầy có thể kể vanh vách chuyện xưa, chuyện nay và cả những tâm tư của một người từng gắn bó với với nghề dạy học gần 40 năm. Với chất giọng đầm ấm thầy kể cho chúng tôi nghe từng bước đường đời: Tôi và Nông Thanh Tuyết quen nhau khi cả 2 được cử sang học tại Khu học xá Trung ương ở Quảng Tây, Trung Quốc, đầu năm 1952. Gia đình tôi ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), còn nhà Tuyết ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi về nước, tôi tiếp tục học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi được được phân công về giảng dạy và làm công tác Công đoàn tại Trường Sư phạm sơ cấp liên khu tự trị Việt Bắc. Một hôm, khi đang ngồi họp hội đồng, đồng chí Hiệu trưởng dẫn vào một cô gái rồi bảo tôi xếp phòng cho giáo viên mới, tôi mới nhận ra cô bạn học bên Quảng Tây. Tình yêu nảy nở, năm 1957, chúng tôi tổ chức lễ cưới đơn giản trước sự chứng kiến của gia đình, Nhà trường. Vì điều kiện xa nhà, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tạo điều kiện để chúng tôi ở tập thể tại Trường. Sau khi công tác ở Trường Sư phạm sơ cấp liên khu tự trị Việt Bắc được 3 năm, 2 vợ chồng tôi được điều về dạy tại trường THPT Phú Bình, rồi chuyển tiếp lên Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho đến ngày bà ấy về hưu năm 1986, tôi nghỉ hưu năm 1993.
Nhớ lại những ngày dạy học trong gian khó, thầy Bảo kể: Những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược đời sống và điều kiện đi lại rất khó khăn. Bước đầu, khi mới tạo lập gia đình riêng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sống chủ yếu nhờ vào đồng lương giáo viên lại nuôi con nhỏ. Thời điểm này, cũng có thầy, cô giáo ở trường bỏ việc ra ngoài làm, nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ nên vợ chồng tôi không nản lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bám trường bám lớp, nhiệt tình truyền đạt những kiến thức cho các em. Vì tinh thần trách nhiệm “Tất cả vì học sinh thân yêu” nên chúng tôi cũng như các thế hệ giáo viên hồi đó đều hết lòng giảng dạy và giáo dục học sinh bằng tình thương yêu và trách nhiệm của nhà giáo tâm huyết với nghề. Vợ chồng tôi cùng dạy bộ môn Văn nên dễ dàng chia sẽ chuyên môn với nhau.
Ngoài sự phấn đấu để làm tốt công tác chuyên môn ở trường, thầy Bảo, cô Tuyết còn phấn đấu để tạo lập một cuộc sống ổn định. Chính sự san sẻ, yêu thương, tin tưởng lẫn nhau, hạnh phúc theo đó lớn dần lên. Thầy cô đã phấn đấu rất nhiều để nuôi 5 người con học tập nên người, sau này đóng góp cho xã hội. Với những thành tích trong công tác, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thầy Bùi Quang Bảo vinh dự được nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; cô Nông Thanh Tuyết được nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Thầy cô luôn là tấm gương sáng trong ngành Giáo dục, cho con học tập.
Hiện nay, trong 10 người con cả dâu, rể của gia đình thầy Bảo, thì có tới 6 người con và 1 cháu nội theo nghiệp của cha mẹ, ông bà. Mỗi lần có đứa con nào quyết định thi sư phạm, thầy đều gọi lại căn dặn, thành quả lớn nhất của người làm thầy làm cô là dạy cho học trò mình nên người, làm trọn nhiệm vụ của nghề giáo cao quý. Bước chân vào nghề giáo không khó, nhưng khi rời bục giảng người dân vẫn kính trọng gọi mình một tiếng thầy thì thật sự không dễ.
Được biết, sau khi nghỉ hưu, thầy Bùi Quang Bảo tham gia làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà giáo phường Phan Đình Phùng suốt 13 năm đến khi thành lập Hội Cựu giáo chức phường. Cô Nông Thanh Tuyết làm ở Hội Phụ nữ, cộng tác viên dân số của phường suốt 10 năm. Dù ở cương vị nào, thầy, cô cũng hoàn thành tốt công việc, được nhân dân trong tổ, phường kính trọng, tin yêu.
Gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, các thế hệ học sinh tìm về nhà thầy Bảo, cô Tuyết để tri ân. Đây cũng là dịp 3 thế hệ nhà giáo trong một gia đình sum họp để cùng nhau ôn lại truyền thống của nghề cao quý!