Người “biến” đất cằn cho hiệu quả kinh tế cao

09:06, 30/11/2015

Hơn 20 năm qua, bằng sự cần cù, khéo léo, ham học hỏi, ông Dương Văn Vững ở tổ dân phố 6, phường Lương Châu (T.P Sông Công) đã “biến” hơn 2ha đất cằn thành mô hình vườn cây ăn quả cho cho thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng.

Bước vào khu vườn của gia đình ông Vững, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn hàng trăm cây bưởi trĩu trịt quả, hít hà hương thơm dìu dịu và được thưởng thức vị ngon ngọt của những trái bưởi, ổi chín trong vườn. Được biết, trong vườn nhà ông Vững hiện có trên 180 gốc bưởi, trong đó trên 100 gốc là bưởi Diễn, còn lại là giống bưởi Hoàng Trạch (Hưng Yên); ngoài ra, còn có 60 gốc nhãn, mấy chục cây ổi. Kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày vất vả, ông Vững cho biết: Năm 1989, tôi lấy vợ, là người trụ cột trong gia đình, tôi phải tìm cách làm kinh tế. Thấy khu đất bị bỏ trống, cỏ mọc um tùm nên tôi đã đến xin địa phương được phục hóa lại. Vì khu đất này gần dòng sông Công, hằng năm, mỗi khi mưa to lại ngập úng, sạt lở, để khắc phục tình trạng này, tôi đã đắp bờ, kè đất, trồng các khóm tre ven bờ sông, xung quanh khu vườn. Thời gian đầu, tôi dựng lán để ở tạm, hằng ngày một mình tôi đạp xe từ tổ dân phố 2 vào đây để phát cỏ, làm đất. Do đi lại khá xa nên tôi đã dồn đất ruộng để đổi và mở rộng diện tích vườn trong này, năm 1995, tôi xây nhà và chuyển cả gia đình về đây. Đến nay, cả khu vườn của gia đình tôi rộng trên 2ha.

 

Xác định chất đất phù hợp với việc trồng cây ăn quả nên ban đầu, ông Vững trồng thử nghiệm gần chục gốc xoài, trong thời gian đó, ông vẫn trồng xen canh các cây rau màu, đỗ tương, lạc. Tuy nhiên, cây xoài chỉ được mùa quả đầu tiên, những năm sau, cây cho rất ít trái và héo dần. Chuyển sang trồng cây vải, hồng không hạt, tình trạng sâu bệnh, mất mùa, mất giá, ông lại phải chặt bỏ. Không nản lòng, xác định phát triển mô hình vườn cây ăn quả là hướng đi đúng, ông Vững tìm hiểu thêm thông tin qua sách, báo, ti vi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và đã quyết định chọn trồng cây bưởi Diễn. Theo ông Vững, vì bưởi là loại quả có nhiều dinh dưỡng, để được lâu, nên giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây mà ông đã trồng. Tin tưởng vào lựa chọn của mình, ông Vững cẩn trọng tìm về làng Diễn (Hà Nội) để mua giống và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cắt ghép bưởi của người dân địa phương. Mọi thông tin đều được ông ghi chép cẩn thận: Trồng bưởi phải trồng nông, không cần đào hố sâu; cần chú trọng đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu đục thân; tiến hành cắt tỉa, bắt sâu bằng phương pháp thủ công, tránh sử dụng các chất hóa học; bón phân cho cây sau khi nhổ cỏ, vào thời điểm cây ra hoa, gặp thời tiết trời ẩm, mưa nhiều cần phun thuốc chống rữa hoa...

 

Không phụ lòng ông, cây bưởi phát triển tốt, quả ra trái đều, mọng nước, năm sau sai hơn năm trước, giá bán luôn ổn định. Thấy được hiệu quả kinh tế, ông tự tay ghép mắt và nhân rộng số cây, từ 8 gốc ban đầu, đến nay, trong vườn ông Vững đã có trên 100 gốc bưởi Diễn. Với giá bán trung bình 30-40 nghìn đồng 1 quả, trung bình 1 năm, 1 gốc bưởi cho thu nhập khoảng trên 1 triệu đồng. Bưởi, nhãn, ổi, cứ mùa nào thức đó, trong vườn nhà ông Vững không lúc nào cây cối ngưng đơm hoa kết quả, để tận dụng nguồn phấn hoa, ông Vững còn nuôi thêm 50 thùng ong, trung bình một năm thu hoạch từ 300-350 lít mật, với giá bán 170 nghìn đồng/lít mật, mỗi năm gia đình ông Vững thu nhập thêm được trên 50 triệu đồng. Nói về thời gian tới, ông Vững khẳng định với chúng tôi bưởi vẫn sẽ là cây trồng chủ lực và ông sẽ tiếp tục tăng diện tích.

 

Dám nghĩ, dám làm, ông Dương Văn Vững là một trong những cá nhân điển hình của phường Lương Châu trong phong trào phát triển kinh tế. Cá nhân ông Vững còn giúp đỡ người dân trong vùng về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc.