Gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội: Vấn nạn nhức nhối

Linh Lan 19:46, 05/11/2023

Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên, nhất là nhóm trẻ vị thành niên (chưa đủ 18 tuổi) vi phạm pháp luật  gia tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh, trở thành mối lo ngại, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.

29/42 bị cáo trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do TAND TP. Sông Công xét xử tháng 10-2023 là người chưa 18 tuổi, nhiều em đang là học sinh.
29/42 bị cáo trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do TAND TP. Sông Công xét xử tháng 10-2023 là người chưa 18 tuổi, nhiều em đang là học sinh.

Xu hướng đáng lo

Trong ba ngày (từ 17 đến 19/10/2023), Tòa án nhân dân (TAND) TP. Sông Công xét xử công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến 42 bị cáo trong độ tuổi thanh thiếu niên. Phiên xét xử được tổ chức tại Nhà văn hóa phường Mỏ Chè, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định hình phạt tương xứng cho các bị cáo, đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe, đồng thời vẫn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. 42 bị cáo nhận các mức án từ án treo đến 38 tháng tù. 

Theo Thẩm phán Đinh Thị Lan Anh, Phó Chánh án TAND TP. Sông Công, Chủ tọa phiên tòa: Phiên tòa có 29/42 bị cáo là người chưa đủ 18 tuổi, nhiều em còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân tôi cảm thấy rất đau xót khi nghĩ đến tương lai các em sẽ ra sao khi phải chịu một bản án, án tích khi tuổi đời còn quá trẻ.

Thống kê của TAND TP. Sông Công cho thấy, năm 2023, đơn vị đã thụ lý 10 vụ/49 bị cáo vị thành niên (tăng 6 vụ/44 bị cáo so với năm 2021).

 

Liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi, giai đoạn 2021-2023, TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 129 vụ/266 bị cáo, xét xử 126 vụ/260 bị cáo. Tội danh của các bị cáo chủ yếu là: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng… 

Còn theo số liệu từ Công an tỉnh, giai đoạn 2021-2022, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh là 142 vụ/270 đối tượng (tăng 34 vụ/83 đối tượng so với giai đoạn 2019-2020). Riêng 10 tháng năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra, xử lý 85 vụ/214 đối tượng thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên (từ ngày 5-10 đến 15/12/2023). Kết quả sau gần 3 tuần, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ/27 đối tượng là người chưa thành niên. Trong đó có 9 đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi; 15 đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, cá biệt có 3 đối tượng dưới 14 tuổi.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ cuối năm 2020 đến quý I/2023, cả nước phát hiện gần 20.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm 95%. Riêng quý I có gần 3.000 đối tượng vi phạm, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập trên các tuyến giao thông đô thị gây mất an ninh trật tự, hay còn gọi là “tội phạm đường phố” diễn biến khá phức tạp. Không chỉ số vụ vi phạm gia tăng, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng các nhóm thanh niên (20-30 người) mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn với tính chất manh động, liều lĩnh.

Chỉ tính riêng địa bàn TP. Thái Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thành phố đã khởi tố 5 vụ, làm rõ trên 50 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm đường phố, bao gồm các tội: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản. Trong đó, số đối tượng dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

Nhóm thanh, thiếu niên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Bắt người trái pháp luật”, tháng 8-2023.
Nhóm thanh, thiếu niên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Bắt người trái pháp luật”, tháng 8-2023.

Nhiều nguyên nhân

Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Người chưa thành niên phát triển nhanh về thể chất, tâm sinh lý có thể xuất hiện một số bất ổn nhất định. Do thiếu hụt các kỹ năng sống, không kiềm chế được cảm xúc nên các em dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát và có thể dẫn đến hành vi phạm tội khi bị lôi kéo, kích động.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Trách nhiệm quan trọng của gia đình là gần gũi, nắm bắt tâm lý, phát hiện sớm những khúc mắc trong quá trình phát triển của các em. Từ đó có biện pháp răn đe, chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Trách nhiệm quan trọng của gia đình là gần gũi, nắm bắt tâm lý, phát hiện sớm những khúc mắc trong quá trình phát triển của các em. Từ đó có biện pháp răn đe, chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn.

Trở lại vụ án gây rối trật tự công cộng do TAND TP. Sông Công xét xử, 2 nhóm đối tượng trên 40 người là thanh thiếu niên đã tụ tập, chuẩn bị hung khí đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ. Nhiều em bị sự rủ rê lôi kéo của các đối tượng khác mà mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

Do tuổi đời còn quá trẻ, có những em tham gia gây rối khi chưa đủ 16 tuổi (chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự), mong muốn thể hiện bản thân, chưa có nhận thức đầy đủ nên dễ bị bạn bè xấu rủ rê. Nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật.

Ngoài nguyên nhân các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết, thì còn một lý do khách quan nữa là thiếu sự giáo dục, quản lý của gia đình.

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu các vụ án, vụ việc trẻ vị thành niên phạm tội, chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh rất éo le như: Mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng ông bà nội già yếu, gia đình là hộ nghèo, các em là lao động chính trong gia đình; có trường hợp bố mẹ ly hôn, hoặc bố nghiện ma túy, đang chấp hành hình phạt tù… Lại có gia đình bố mẹ mải làm ăn, chỉ quan tâm đến việc chu cấp về vật chất mà chưa quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các em.

Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp): Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng gia tăng trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật là thiếu sự quan tâm từ phía nhà trường (nơi trực tiếp giáo dục trẻ), sự buông lỏng quản lý, giáo dục từ gia đình (nơi trẻ sinh sống).
Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp): Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng gia tăng trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật là thiếu sự quan tâm từ phía nhà trường (nơi trực tiếp giáo dục trẻ), sự buông lỏng quản lý, giáo dục từ gia đình (nơi trẻ sinh sống).

Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý học sinh ở một số nhà trường còn lỏng lẻo. Từ đó dẫn tới việc các em hình thành lối sống tự do, buông thả, lười biếng, bỏ học, thích hưởng thụ, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn xã hội, phạm tội.

Cùng với sự tác động tiêu cực của văn hóa phẩm độc hại, nhất là sự ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng Internet cũng tác động trực tiếp đến một bộ phận trẻ chưa thành niên...

Cần cộng đồng trách nhiệm

Số lượng thanh thiếu niên, nhất là trẻ vị thành niên, phạm tội gia tăng thời gian qua là "hồi chuông cảnh báo" tới các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để ngăn chặn.

Trao đổi về vấn nạn trẻ vị thành niên tội phạm, các chuyên gia và lực lượng chức năng đều nhận định, bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tạo tính răn đe, thì việc phòng ngừa, ngăn chặn, chú trọng giáo dục nhân cách, chăm lo đời sống tinh thần cho các em là việc cấp thiết cần được quan tâm đúng mức từ phía nhà trường, xã hội, đặc biệt là gia đình. 

Nhóm thanh, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”, tháng 9-2023.
Nhóm thanh, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”, tháng 9-2023.

Thẩm phán Đinh Thị Lan Anh chia sẻ: Tôi cho rằng việc quản lý, giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội cần có sự tham gia đồng bộ, tích cực của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, gia đình cần quan tâm, giáo dục con em có nhận thức cơ bản về pháp luật, nhận diện những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.

Đúng như chia sẻ của Thẩm phán Đinh Thị Lan Anh, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Trong đó, tiên quyết là từ mỗi gia đình, cho đến nhà trường và xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cũng cần được các ngành chức năng và nhà trường tích cực phối hợp cùng gia đình thực hiện… 

Đồng chí Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh: Chính sách, pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu hướng đến giáo dục, giúp đỡ các em sữa chữa những sai lầm, tạo điều kiện để các em phát triển lành mạnh, trở thành những công dân có ích.
Đồng chí Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh: Chính sách, pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu hướng đến giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa những sai lầm, tạo điều kiện để các em phát triển lành mạnh, trở thành những công dân có ích.

Về vấn đề này, Đại úy Đặng Văn Thọ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Thái Nguyên, thông tin: Để ngăn chặn tình trạng tội phạm trong thanh thiếu niên, nhất là tội phạm đường phố, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường biện pháp quản lý, phòng ngừa các đối tượng có biểu hiện chơi bời, lêu lổng, bỏ học. Chúng tôi cũng tham mưu cho chỉ huy đơn vị tăng cường phối hợp với viện kiểm sát, tòa án cùng cấp lựa chọn các vụ án điển hình đưa ra xét xử công khai, tăng cường răn đe, tạo chuyển biến…