Trong hoạt động báo chí, tôi cũng đã đôi lần gặp nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân, tác giả “Sống như anh” một thời vang tiếng - một câu chuyện cảm động về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, nhưng ít khi tôi được trò chuyện với nhà báo gạo cội này...
Nhà báo Thái Duy tại vùng giải phóng miền Nam 10/7//1965. |
Ngày 5/7/2019, chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mất, lại tròn 55 năm anh Trỗi hy sinh, tôi nẩy ra ý định đến thăm nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân (tên thật Trần Duy Tấn), người đã giúp cho chúng ta hiểu thêm về gương hy sinh, phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ qua văn học, báo chí.
Tác phẩm "Sống như anh" là cẩm nang gối đầu giường. Cũng như "Đất nước đứng lên", "Hòn Đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Gia đình má Bẩy", "Người mẹ cầm súng"... "Sống như anh" như lời non sông thúc giục lớp lớp người ra trận, đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương.
Ở tuổi 94, nhà báo Thái Duy vẫn còn minh mẫn, trò chuyện cởi mở, gần gũi. Ông bảo, 70 năm làm nghề báo, ông chỉ mỗi một "chức" đó là chức phóng viên, mà cũng chỉ ở tờ báo của Mặt trận. Bây giờ lương hưu 7,6 triệu đồng một tháng, vợ ông về với tiên tổ trước rồi, một mình cũng tạm đủ sống. Tờ báo Đại Đoàn Kết thì cơ quan cũ vẫn biếu, khát xem Tuổi trẻ hay Thanh Niên thì đọc ké ở sạp báo ngoài đầu ngõ.
Ông tâm sự: Năm 1964, tôi là phóng viên của Báo Giải Phóng, Cơ quan của Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam, Tòa soạn đóng ở Tây Ninh. Sau khi anh Trỗi hy sinh, báo chí chế độ Sài Gòn đưa tin dồn dập về sự kiện này. Lúc đó, tôi đang công tác ở Long An, chỉ cách Sài Gòn 30 cây số. Qua đó, chúng tôi biết sâu hơn về trận đánh không thành tại cầu Công Lý, mục tiêu là tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ; biết đến khí phách Anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi và hành động cao cả của du kích Thủ đô Caracas của Mặt trận Giải phóng dân tộc Venezuela, bắt cóc trung tá Mỹ Smolen để chuộc anh Trỗi...
Sau đó, Mỹ phản bội và hèn hạ tử hình anh Trỗi vào lúc 10 giờ 50 phút ngày 15/10/1964 tại Khám Chí Hòa, Sài Gòn. Là nhà báo chiến trường, khi nghe câu chuyện, ông và các đồng nghiệp đều nghĩ sẽ phải làm việc gì đó để tôn vinh sự quả cảm của anh Trỗi.
Tiếp đó, ông được biết chị Phan Thị Quyên, vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đưa về căn cứ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam và dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam. Ông tiếp cận, ban đầu viết bài báo có tiêu đề: "Những lần gặp gỡ cuối cùng của chị Quyên và anh Trỗi", đăng trên Báo Giải Phóng. Nhưng ông nhận được chỉ thị cần phải có quyển sách về anh Trỗi, nên ông quyết định đi Củ Chi gặp các đồng chí cùng hoạt động, cùng ở tù với anh Trỗi để có thêm tư liệu...
Viết xong cuốn sách có tên "Những lần gặp gỡ cuối cùng", ông nhờ chuyển ra Hà Nội... Nhà báo Thái Duy nhớ lại: Sau này tôi mới biết các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến cuốn sách. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt lại tên cho cuốn sách là "Sống như anh". Bác Hồ trong lời tựa cuốn sách đã viết "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập... ". Chỉ khoảng 1 tháng sau khi gửi, anh em chúng tôi ở chiến trường đã được nghe đọc "Sống như anh" qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Năm 1966, nhà báo Thái Duy được điều động ra Bắc công tác. Với chị Quyên, nhà báo còn gặp vài lần. Một ngày sau giải phóng, ngày 1/5/1975, nhà báo, nhà văn Thái Duy đã tìm đến và viếng mộ anh Trỗi tại quê ngoại của anh...
Đón nhà báo Thái Duy. |
Khi nhà làm phim Mai Chí Vũ chuyển ý kiến của ê kíp muốn mời nhà báo Thái Duy trở lại Việt Bắc, trước thăm quê hương, ruột thịt, sau về lại chiến khu xưa, ông phấn khởi lắm. Ông cười vui. Bằng tuổi với nền báo chí cách mạng (sinh năm 1925), Thái Duy gọi đúng phải là thư ký của các cuộc trường chinh của dân tộc.
Ông bảo, công tác cùng Văn nghệ cứu quốc với Nam Cao nhưng ông là học trò, học nhận xét và học viết từ Nam Cao. Cho nên những địa danh xóm Chòi, Ròong Khoa, Gốc Xộp, đôi cây đa, Tỉn Keo, Khuôn Tát, Lũng Lô, Cò Nòi, đèo Gió, đèo Giàng… là ký ức không thể nào quên của ông.
Ông kể: Đi theo kháng chiến, theo Bác Hồ được phân công làm gì đều đặng làm cho tốt. Đi thực tế, trước một sự kiện, viết báo, viết văn, viết chính luận hay tin tức, tác giả phải tự quyết định thể tài nào hiệu quả nhất thì làm. Ông có tên khai sinh để ghi lý lịch, làm tin là Trần Duy Tấn, bút danh cho chính luận là Thái Duy, cho văn nghệ là Trần Đình Vân…
Ông bảo ông gắn bó với nghề viết và song hành cùng bộ đội qua các cuộc kháng chiến, ở những nơi hòn tên mũi đạn nhất… Nhà báo Trần Lan Phương, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn, con gái ông Trần Đình Khoa, em trai ông Thái Duy kể, học xong Tổng hợp Văn Hà Nội chị ra số 8 phố Trần Hưng Đạo gặp bác. Bác bảo cháu nên theo nghề báo; phụng sự tại nơi mình được cử đi học, tức là quê hương Bắc Thái. Còn rèn gì? Trung thực và dũng cảm - phẩm chất luôn cần ở nghề báo.
Năm 2020, tôi được tham gia Ban Tổ chức Đại hội tuyên dương những người làm báo tiêu biểu toàn quốc. Nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân là một trong số tám nhà báo lớn được mời tôn vinh. Lúc ấy, đồng chí Võ Văn Thưởng là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có nhắc Bảo tàng Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cố gắng ghi lại bằng hình ảnh động những cống hiến cho nghề, cho đất nước của những cây đại thụ của giới báo chí, làm tư liệu cho giáo dục truyền thống. Mấy hôm nay, việc làm hậu kỳ cho phim về nhà báo Thái Duy đang khẩn trương vì đây là ấn phẩm chào mừng 98 năm Ngày Báo chí cách mạng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin