Trở lại chiến trường xưa

Ghi chép của Huệ Dinh 14:49, 04/06/2023

Khi tiếng ve kêu gọi Hè về, chúng tôi có dịp theo chân những cựu binh của Thái Nguyên trở lại thăm chiến trường xưa trên nước bạn Lào. Trong chuyến đi này, chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến những đổi thay ở nơi đây, mà còn được các cựu binh kể lại biết bao câu chuyện cảm động về tình đồng chí, tình cảm gắn bó giữa hai nước Việt - Lào trong những năm chiến tranh gian khổ. Máu của những người Anh hùng Việt Nam đã đổ xuống, hòa vào lòng đất của nước bạn Lào, chính là minh chứng rõ nét nhất cho tình hữu nghị Việt Nam - Lào mãi mãi vững bền.

Các cựu binh viếng tượng đài chiến thắng tại thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Các cựu binh viếng tượng đài chiến thắng tại thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Bình yên sau chiến tranh

Từ cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi đến huyện Viêng Xay - thủ đô kháng chiến của nước Lào, thuộc tỉnh Hủa Phăn. Hai bên đường, những cánh rừng đại ngại xanh ngút tầm mắt, từng đàn bò béo tốt thảnh thơi gặm cỏ.

Lần đầu đặt chân đến Viêng Xay, tôi như có cảm giác mình đang bước đi trên vùng đất ATK Định Hóa của Thái Nguyên. Kết cấu hạ tầng ở Viêng Xay chưa phát triển, đời sống của người dân còn nghèo nhưng theo anh Lítpasong, cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thì hôm nay, Viêng Xay đã có nhiều thay đổi so với 20 năm trước; không còn tình trạng hộ dân thiếu lương thực…

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là thị xã Sầm Nưa. Không còn dấu tích của chiến tranh, Sầm Nưa - thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn hôm nay đã có nhịp sống yên bình. Ông Vũ Ngọc Thanh, cựu binh từng tham gia chiến đấu tại Lào, hiện sinh sống tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) phấn khởi: Tôi rất vui khi lần trở lại này thấy vùng căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa đã có những đổi thay rõ nét.

Còn ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, Trưởng đoàn của chuyến đi lần này, nói: Khi mới giải phóng (tháng 3/1970), Sầm Nưa hoang vắng, tiêu điều mà nay đã trở nên nhộn nhịp. Đường phố thông thoáng, có nhiều ô tô, xe máy lưu thông; hàng hóa được bày bán trong các cửa hiệu, khu thương mại khá phong phú. Đời sống người dân được cải thiện, nhà nào cũng có xe máy, ti vi; trẻ em được đến trường học chữ…

Dọc theo cuộc hành trình từ các tỉnh Bắc Lào sang Nam Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, thủ đô Viêng Chăn, Borikhamxay), mọi người trong đoàn đều có chung cảm nhận về những đổi thay tích cực của đất và người nơi đây. Đặc biệt là tình cảm gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Lào khi hôm nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước bạn trong khai thác khoáng sản, xây dựng kết cấu hạ tầng… Nhiều người dân Việt Nam sinh sống cùng cộng đồng người Lào và phát triển dịch vụ ăn uống khá đa dạng…

Đưa liệt sĩ trở về đất mẹ

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Viêng Xay, Sầm Nưa là trung tâm đầu não, nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản, Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào; Chủ tịch Xuphanuvông và Mặt trận Giải phóng Pha Thét Lào. Đây cũng là nơi cơ quan Bộ Tư lệnh 959 đặt tổng hành dinh trong suốt những năm đánh Mỹ cho đến khi thắng lợi hoàn toàn…

Ông Dương Mạnh Việt cho hay: Trước năm 1970, Mỹ, Ngụy tại Lào và Thái Lan huy động lực lượng lớn quân sự, bao gồm cả không quân Mỹ, yểm trợ tấn công ra vùng Sầm Nưa. Chúng xây dựng các căn cứ quân sự tại Sầm Nưa, hòng tiêu diệt trung tâm đầu não của ta. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa quân giải phóng Pha Thét của đất nước Lào và các đơn vị thuộc Sư đoàn 316, các tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 923 và 927 đã mở các cuộc tấn công liên tục đập tan các cuộc hành quân, lấn chiếm của địch. Ngày 9/3/1970, Sầm Nưa đã hoàn toàn được giải phóng. Tuy nhiên, tại đây, nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.

Trong chiến tranh, quân đội Việt Nam và Lào đã phối hợp cùng nhau đánh tan quân thù. Hòa bình lập lại, quân đội Lào lại giúp những chuyên gia Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa họ được trở về với đất mẹ.

Một người con của quê hương Thái Nguyên từng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn nằm lại trên đất nước Lào chính là ông Dương Mạnh Việt. Ông từng có 3 năm (1969-1972) tham gia chiến đấu tại Lào.

Tháng 3/1973, ông tiếp tục trở lại đơn vị ở Lào sau 10 tháng học tại Trường Sĩ quan lục quân và được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959 tại khu vực Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng.

Ông Việt nhớ lại: Trong hơn một năm (tính đến tháng 12/1974), tôi và các chiến sĩ đã quy tập hài cốt của đồng đội, ghi chép đầy đủ danh tính và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn (Nghệ An) và Nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa) 2.250 liệt sĩ. Đến cuối tháng 12/1974, đơn vị nhận lệnh ngừng quy tập, rồi chuyển về mặt trận Tây Nguyên. Tôi được cấp trên quán triệt rất kỹ, phải tuyệt đối giữ bí mật về hồ sơ liệt sĩ. Năm 1976, tôi xuất ngũ và chuyển ngành, đến năm 1995 thì về hưu. Tôi đã giữ tập bản đồ và hồ sơ liệt sĩ ấy đến tận năm 2006. Khi đó, cán bộ ở các đội quy tập của Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An tại Xiêng Khoảng, Bộ Chỉ huy quân sự Thanh Hóa tại Hủa Phăn liên lạc để tiếp tục việc quy tập. Tôi đã cung cấp bản đồ, sơ đồ của nhiều nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam với trên 1.000 liệt sĩ cho các đội quy tập.

Cũng theo chia sẻ của ông Việt, từ năm 2011, hành trình của ông và các cộng sự thuận lợi hơn rất nhiều khi Đại sứ Quán Lào tại Việt Nam cho phép các đoàn công tác của Việt Nam đi quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào. Đoàn đến tỉnh nào, Bộ Chỉ huy Quân sự của tỉnh đó sẽ hỗ trợ về phương tiện di chuyển, phân công người dẫn đường…Từ năm 2006 đến năm 2017, ông Việt đã có 14 lần tình nguyện trực tiếp cùng các đội quy tập, tham gia tiến hành, xác minh thông tin thông báo cho thân nhân về danh tính liệt sĩ theo trích lục hồ sơ và giám định AND, tìm thêm được 164 liệt sĩ.

Trong đó, chuyến đi khiến ông nhớ mãi là vào năm 2013, khi cùng đồng đội phát hiện Nghĩa trang Mường Ngà, huyện Viêng Xay, có các phần mộ là liệt sĩ người Việt Nam. Ông đã báo cáo ngài Khăm Hùng Vương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hủa Phăn để được hỗ trợ. Chuyến đi ấy, ông cùng đồng đội đã quy tập được 59 liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lý, quê ở xã Mỹ Yên (Đại Từ). Mỗi dịp tháng Năm về, nước bạn Lào lại bàn giao cho Việt Nam những hài cốt liệt sĩ đã quy tập được. Ông Việt không khỏi bồi hồi khi vẫn còn những liệt sĩ đã ngã xuống ở chiến trường Lào năm xưa. Ông tin tưởng, với sự giúp đỡ của nước bạn, trong thời gian tới, các chuyên gia Việt Nam tại Lào (lớp hậu sinh của ông) sẽ tiếp tục quy tập, đưa những hài cốt liệt sĩ còn nằm lại nơi đây trở về đất mẹ.


Từ khóa:

cựu binh

hữu nghị

Việt - Lào