Đánh vào tâm lý "ham rẻ" của du khách, nhiều đối tượng đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn về du lịch giá rẻ thông qua các chiêu trò hết sức tinh vi trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là thời điểm nghỉ lễ và mùa cao điểm du lịch.
Ảnh minh họa. |
Chỉ còn ít ngày nữa người dân cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, tiếp đó là mùa du lịch nội địa. Trong bối cảnh du lịch nội địa vào mùa cao điểm chắc chắn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề như: giá vé máy bay, giá các loại dịch vụ sẽ tăng cao. Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân đi du lịch vào ngày cao điểm, nhất là dịp nghỉ lễ dài, nhiều đối tượng đã tung ra các chiêu trò hết sức tinh vi: lập trang web bán vé máy bay giá rẻ, giá phòng hay combo du lịch giá rẻ… trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người do không có kinh nghiệm và cũng một phần vì ham giá rẻ đã mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo này.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc AZA Travel, du lịch đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu đối với nhiều gia đình. Mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè… nhiều người vẫn tìm kiếm thông tin các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn sale” các voucher giảm giá trên mạng. Đánh trúng tâm lý "ham rẻ" của du khách nên hiện nay trên mạng xã hội các combo, voucher du lịch với mức giá khác nhau nhiều vô kể, khiến khách hàng lạc vào "ma trận", từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
"Tour du lịch giá rẻ hay vé máy bay giá rẻ là có, các công ty du lịch cũng như các khách sạn, rồi các du thuyền và các hãng hàng không cũng tung ra khá nhiều những vé giá rẻ, nhưng cái đấy là chỉ tồn tại trong thời gian Covid-19 khó khăn thôi. Còn bây giờ mà mọi người vẫn nghĩ rằng là vào mùa hè năm 2023 mà lại đi vào cuối tuần, dịp nghỉ lễ tới các điểm du lịch 'hot' và công bố giá vé máy bay cộng với khách sạn 5 sao, 3 ngày 2 đêm mà giá giảm 50% thì tôi nghĩ điều đó là không có. Vì vậy khách hàng cần hết sức cảnh giác".
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội rất tinh vi. Kẻ xấu xây dựng hình ảnh đầy uy tín, với thông tin công việc rõ ràng, hình ảnh “check-in” du lịch sang chảnh khắp nơi, đôi khi còn mạo danh cả các đơn vị lâu năm trong nghề… rồi lập những nick ảo và cũng tạo ra tương tác, cũng có những bình luận khen ngợi nhưng thực tế những bình luận tương tác đó cũng là từ các "nick ảo" của kẻ xấu lập ra. Thậm chí là một số đối tượng còn sao chép website của những công ty du lịch uy tín nhưng khác một vài ký tự tên miền và đặt máy chủ nước ngoài nên nếu khách hàng không để ý thì sẽ rất dễ bị lừa. Cá biệt, nhiều kẻ xấu còn chạy thành công 1 số sản phẩm để lấy danh tiếng, sau đó mới biến mất khi đã lừa được số tiền lớn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của những công ty làm ăn chân chính.
"Có hai kiểu lừa đảo: Thứ nhất, lừa đảo khách hàng mua xong thì người bán biến mất và khách hàng không hề nhận được bất kỳ dịch vụ nào. Thứ hai, là kiểu lừa là vẫn có dịch vụ nhưng chất lượng kém không như quảng cáo. Chẳng hạn như khách sạn, du thuyền khi đối tượng lừa đảo bán hàng thì quảng cáo 5 sao nhưng thực tế chỉ từ 2 - 3 sao. Tour du lịch thì cắt hết các điểm chính (có mất phí tham quan) và đưa du khách đến những điểm du lịch miễn phí, đồ ăn kém và bắt khách vào điểm mua sắm bắt buộc để lừa mua hàng giả, hàng kém chất lượng…", ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.
Có một thực tế là thời gian qua, các vụ lừa đảo du lịch chưa bị xử lý triệt để do việc đặt tour, dịch vụ du lịch, thanh toán tiền đều diễn ra trên môi trường mạng xã hội. Mặt khác, nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Chính vì thế, cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay khi vào mùa du lịch nội địa thì cũng có những khách hàng “sập bẫy” của các đơn vị lừa đảo.
Với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng chia sẻ một số bí quyết để tránh "sập bẫy" lừa đảo du lịch: Không nên ham rẻ; không nên giao dịch, chuyển tiền với các cá nhân hành nghề tự do mà phải giao dịch với những công ty du lịch có uy tín, thương hiệu; cần kiểm tra kỹ hợp đồng giao dịch, phiếu chuyển tiền, gọi điện đến khách sạn hay là du thuyền để kiểm tra xem đúng là booking (đặt chỗ - PV) này đã được đặt chưa. Bài học quan trọng nhất đó là người tiêu dùng phải tỉnh táo, không ham rẻ và cần phải đến những doanh nghiệp có uy tín để đặt dịch vụ, tour...
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng đề nghị khách hàng trong quá trình giao dịch mua tour, dịch vụ du lịch trên mạng cần chụp lại màn hình trao đổi giao dịch, gọi video call và chụp lại ảnh người bán tour, căn cước công dân, biên lai thu tiền… để làm bằng chứng tố cáo nếu chẳng may bị lừa đảo. Đặc biệt, khách hàng nên trình báo với cơ quan chức năng để làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch nước nhà, bởi tình trạng lừa đảo du lịch vào dịp nghỉ lễ hay mùa cao điểm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính nói riêng. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sự chung tay của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và du khách để xử lý triệt để./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin