Liên kết hợp tác xã - nông dân: Cần nhiều hơn cái “bắt tay”

Thu Huyền - Việt Dũng 09:39, 05/05/2024

Trước yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có xu hướng liên kết với các hộ dân nhằm mở rộng vùng nguyên liệu cũng như tạo ra số lượng lớn nông sản đồng đều về chất lượng, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Tuy vậy, để mối liên kết này bền vững và phổ biến hơn thì còn nhiều việc cần phải làm.

Việc liên kết HTX - nông dân được triển khai rộng rãi tại các HTX chè trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: HTX chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương
(TP. Thái Nguyên) hiện có vùng chè nguyên liệu liên kết với các hộ dân rộng khoảng 35ha. Ảnh: L.K
Việc liên kết HTX - nông dân được triển khai rộng rãi tại các HTX chè trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: HTX chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) hiện có vùng chè nguyên liệu liên kết với các hộ dân rộng khoảng 35ha. Ảnh: L.K

MỞ RỘNG SẢN XUẤT ĐỂ CÙNG HƯỞNG LỢI

Được thành lập từ năm 2017 với 9 thành viên, đến nay, HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng, ở xã Tân Hòa (Phú Bình) đã phát triển lên gần 40 thành viên. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của HTX là chăn nuôi hươu và cung cấp các sản phẩm từ hươu như: hươu thịt, nhung, cao và hươu giống, với tổng đàn hơn 400 con. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 7 tỷ đồng. Không chỉ làm tốt việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, đơn vị này còn hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc cho gần 30 hộ dân liên kết trong và ngoài xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Phước, đại diện HTX cho biết: Khi HTX đã tạo dựng được thương hiệu và khách hàng gần xa biết đến, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cũng tăng gấp nhiều lần so với trước. Do vậy, chúng tôi đã liên kết với các hộ dân để mở rộng vùng chăn nuôi. HTX thì chủ động được nguồn hàng cung cấp, còn nông dân thì không phải lo về đầu ra khi tham gia vào hệ sinh thái của HTX.

 

Liên kết sản xuất để đi đường dài trong phát triển kinh tế cũng là hướng đi được nhiều HTX lựa chọn như: HTX trà Tuất Thoi, HTX chè Nhật Thức, HTX chè La Bằng (Đại Từ); HTX Chế biến nông sản Võ Nhai (Võ Nhai); HTX chè Thịnh An (Đồng Hỷ)... Có những HTX đang liên kết và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.

 

Thông qua các mô hình liên kết đã làm thay đổi đáng kể tập quán sản xuất của người nông dân. Bà con chủ động hơn trong việc sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường hoặc đơn đặt hàng, thay vì sản xuất tự phát, manh mún như trước đây. Đặc biệt là nhiều nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia cùng các HTX để sản xuất ra hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất và được bao tiêu. Sự hợp tác này đã khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững; HTX thiếu nguyên liệu sản xuất. Không những thế, việc nông dân tích cực tham gia vào các HTX còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp, các địa phương đầu tư và phát huy được hiệu quả từ các công trình, dự án phục vụ cho phát triển sản xuất như: quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyển giao khoa học - kỹ thuật...

LIÊN KẾT CÒN YẾU VÀ THIẾU

Hiệu quả là vậy, song trên thực tế mối liên kết sản xuất giữa HTX và nông dân phát triển chưa nhiều, phần lớn nông dân vẫn phải “tự bơi” và vất vả tìm đầu ra cho hàng hóa của mình. Nguyên nhân dẫn đến mô hình liên kết hợp tác chưa chặt chẽ chính là do giữa HTX và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân chia trách nhiệm và lợi nhuận. Chính vì vậy, một số nơi sau khi thực hiện liên kết vẫn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng, khi thị trường giá bị biến động thì nông dân sẵn sàng thất hứa, hoặc ngược lại. Xuất phát từ thực trạng này, nên trong nhận thức và tâm lý của người nông dân vẫn chưa “mặn mà” với việc liên kết, còn bản thân HTX cũng hoài nghi, mất lòng tin vào nông dân.

Toàn tỉnh hiện có 760 HTX, trong đó 525 HTX nông nghiệp, 232 HTX phi nông nghiệp. Số HTX đạt loại khá, tốt chiếm trên 50% và hầu hết trong số này đều đang thực hiện tốt liên kết với nông dân. Năm 2023, doanh thu của các HTX ước đạt trên 3.150 tỷ đồng, tỷ lệ tăng doanh thu bình quân hàng năm đạt 10-15%. Thu nhập bình quân thành viên/người lao động trong HTX: Đối với lĩnh vực nông nghiệp đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng, lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Trường hợp đã xảy ra tại HTX Đồng Tâm (Võ Nhai) là một ví dụ. Từng sở hữu vùng bưởi tập trung rộng hơn 85ha cùng trên 60 hộ dân liên kết trồng bưởi, cung cấp cho HTX. Thế nhưng giờ đây, số hộ liên kết với HTX chỉ còn... con số 0. Ngoài vấn đề biến động giá cả của thị trường, thì việc các hộ dân không tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật của HTX, tự động bán sản phẩm ra bên ngoài đã phá bỏ quan hệ hợp tác với HTX. Ông Nguyễn Duy Hợi, Giám đốc HTX kể lại: Năm 2022, HTX nhận được dự án của tỉnh hỗ trợ 830 triệu đồng để thực hiện quy trình VietGAP, mã vạch, bao bì, phân bón. Dù chúng tôi đã mời chuyên gia từ Hà Nội về hướng dẫn cho bà con, song một số người dân lại tự ý bớt lượng phân bón theo quy định, dẫn tới chất lượng quả không đạt. Rồi đến khi HTX kết nối được với một doanh nghiệp ở Bắc Giang thu mua 50 tấn bưởi thì các hộ lại không muốn bán cho doanh nghiệp. Kết quả là khi thu hoạch rộ, giá thị trường lao dốc, người dân chỉ bán được 2 nghìn đồng/quả, thậm chí 20 nghìn đồng/bao. Liên kết không bền, người dân lại rơi vào vòng xoáy “trồng - chặt”, đến nay, HTX cũng không còn duy trì liên kết với các hộ bên ngoài nữa và đang loay hoay tìm hướng đi mới.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Thực tế, khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nếu có sự liên kết một cách thực chất và hiệu quả hơn thì đời sống bà con nông dân giàu mạnh, và chính các chủ thể là HTX cũng lớn mạnh hơn. Ông Nguyễn Duy Hợi, Giám đốc HTX Đồng Tâm (Võ Nhai), cho biết thêm: Muốn HTX gắn bó với người dân thì người dân phải thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với HTX, cùng chia sẻ khó khăn khi gặp thiên tai, dịch bệnh, giá cả biến động...

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân, công ty, HTX khi liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh, huyện để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, thực hiện thu mua, thanh toán nhanh gọn, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết và cùng chia sẻ lợi ích với người nông dân. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng cần có quy định, chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết bao tiêu đã ký kết.

HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng, ở xã Tân Hòa (Phú Bình) đang liên kết sản xuất
với gần 30 hộ dân trong và ngoài xã.
HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng, ở xã Tân Hòa (Phú Bình) đang liên kết sản xuất với gần 30 hộ dân trong và ngoài xã.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 (Phú Lương) cho biết: Chúng tôi thỏa thuận chặt chẽ với các hộ ngay từ khi “bắt tay” liên kết, đó là người dân phải tuân thủ nghiêm các quy trình của HTX, thậm chí chấp nhận sản lượng chè ban đầu có thể thấp do sản xuất hữu cơ. Đổi lại, người dân được hưởng giá vật tư đầu vào rẻ hơn thị trường, sản phẩm bán được giá và được thu mua ổn định...

Nhằm thúc đẩy liên kết giữa HTX với nông dân, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trước tiên, các HTX cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động của HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Mặt khác, các HTX cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng tới nâng cao tư duy thị trường, năng lực quản trị, điều hành, tiếp cận thị trường, duy trì quan hệ đối tác... Khi HTX đủ uy tín, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì người dân cũng không ngại liên kết.

“Điểm sáng” ở tỉnh bạn

Những năm gần đây, câu chuyện liên kết giữa nông dân - HTX diễn ra khá phổ biến ở tỉnh Đắk Nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha. Dù mới thành lập năm 2021, song đến nay, HTX đã có 12 thành viên chính thức và hơn 100 thành viên liên kết, thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng nguyên liệu liên kết khoảng 300ha. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại. Nhiều sản phẩm tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và cả xuất khẩu. “Bí quyết” để duy trì liên kết bền vững đó là toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp của HTX và người dân liên kết đều được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường. Song, các thành viên trong HTX và người dân liên kết phải có trách nhiệm sản xuất theo quy chuẩn, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện, HTX tạo việc làm cho 20-30 lao động thường xuyên với mức lương 7-8 triệu đồng/người/ tháng. Đối với hộ trực tiếp sản xuất, sản phẩm đã tiếp cận với kênh phân phối, thu nhập bình quân đạt 150-300 triệu đồng/năm. Thậm chí, có hộ thu nhập lên đến cả tỷ đồng/năm...